tin chắc sẽ nắm chặt yết hầu các nước Đông Bắc và Đông Nam Á, đe dọa
đến lợi ích kinh tế sống còn của họ. Như vậy, với hành động lấn chiếm
Biển Đông, Trung Quốc đồng thời cũng tỏ rõ quyết tâm mạnh mẽ thách
thức mô hình thế giới đơn cực của Mỹ, buộc Mỹ phải thừa nhận Trung
Quốc như một siêu cường quân sự và kinh tế toàn cầu, một đối trọng tương
xứng để đi tới một sự phân chia ảnh hưởng chính trị và quyền lợi kinh tế
trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Trung Quốc nghĩ rằng đối với một
nước Mỹ giàu có nhưng sợ hãi chiến tranh - con hổ giấy như họ thường ví
von, cuối cùng việc phân chia vùng ảnh hưởng để đổi lấy sự bình an có vẻ
là một sự chọn lựa dễ chịu cho Mỹ hơn là đối đầu quân sự. Nếu điều này
xảy ra như các tính toán đầy tham vọng của các ông chủ tại Trung Nam
Hải, nó sẽ dẫn đến những thay đổi trong các quan hệ xuyên quốc gia, hệ
quả là những đồng minh của Mỹ tại khu vực Đông Á có thể phải trở thành
chư hầu của Trung Quốc để được ban cho một nền hòa bình Đông Á theo
kiểu Trung Hoa, tương tự như hòa bình theo kiểu La Mã (Pax Romana) hai
ngàn năm trước đây tại khu vực Địa Trung Hải. Tuy nhiên ước muốn là một
chuyện, còn thực tế có thể khác hẳn. Việc Trung Quốc chọn thời điểm hiện
nay để giương nanh múa vuốt quả là không thích hợp, khi họ có quá nhiều
vấn đề nội bộ phải giải quyết và khi họ vẫn thực sự chưa đủ mạnh cả về
kinh tế lẫn quân sự như họ tưởng tượng. Ngay cả khi họ đủ mạnh, thời đại
ngày nay cũng không cho phép họ ngang nhiên hành động bá quyền, bất
chấp đạo lý, công lý và luật quốc tế. Đơn giản vì Trung Quốc không phải là
thế giới, mà chỉ là một bộ phận của thế giới.
Đối với Việt Nam, thách thức rất nghiêm trọng này lại có thể trở thành
một phép lạ mở ra một cơ hội lịch sử lớn chưa từng có cho việc đi đến mục
tiêu cường thịnh. Trong nhiều thế kỷ qua, trên tiến trình phát triển về
phương Nam, khi lãnh thổ đất nước trải dài ra và cộng đồng dân tộc mở
rộng, những thay đổi về địa kinh tế chính trị đã tạo ra lực ly tâm, gây nên
những trở ngại không nhỏ cho sự thống nhất lãnh thổ và sự đồng tâm hiệp
lực của một cộng đồng dân tộc ngày càng đông lên. Trong vòng ba trăm
năm trở lại đây, thời gian đất nước bị chia cắt tạm thời không ít. Có thể nói