ngoại nhập đủ loại mặc sức tràn vào và giết chết sản xuất trong nước. Hợp
tác kinh tế sẽ mang đến nhiều điều lợi, nhưng cần cân nhắc lợi trước mắt,
lợi lâu dài. Chúng ta cần ngoại tệ, nhưng cũng cần phải biết ngoảnh mặt đối
với những khoản vay nóng, lãi suất cao cho những dự án đầu tư lãng phí,
không hiệu quả.
Chạy theo cái lợi trước mắt mà quên đi cái hại lâu dài sẽ là vô trách
nhiệm, chuyển gánh nặng nợ nần cho thế hệ kế tiếp và phá hỏng tương lai
của con em chúng ta.
TẠO NGUỒN LỰC CHO PHÁT TRIỂN
Muốn phát triển kinh tế, tức là muốn làm giàu, phải trông cậy vào sức
mình. Nguồn lực để phát triển có sẵn trong đất nước, trong mỗi con người
chúng ta. Có chính sách bồi dưỡng đúng mức, sẽ có ngày khai phóng được
năng lực vĩ đại này.
Nông nghiệp là cội rễ của nền kinh tế nước nhà, gốc rễ bền chắc thì tán
lá sum suê, cây sẽ đơm bông, kết trái tốt tươi. Cần cải thiện, công nhận và
đảm bảo về pháp lý mối quan hệ sở hữu đầy đủ giữa người nông dân và
ruộng đồng của họ, xem đó là một động lực kích thích sản xuất nông
nghiệp. Thuế nông nghiệp phải có tính chất khuyến khích sản xuất, đi kèm
với các chính sách trợ giá nông phẩm, chính sách tín dụng nông nghiệp...
tất cả nhằm mục tiêu nâng cao thu nhập của nông dân. Nông dân giàu lên,
có tích lũy sẽ giúp thị trường nội địa phát triển vững chắc, tạo sự lớn mạnh
cho sản xuất công nghiệp trong nước.
Đối với công nghiệp, bên cạnh vai trò cho đến nay vẫn được xem là chủ
đạo của kinh tế quốc doanh, cần phát triển mạnh mẽ khu vực tư doanh trên
cơ sở thừa nhận sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất. Cần chấm dứt
những sự phân biệt đối xử đối với khu vực tư doanh về thuế, tín dụng ngân
hàng, quan hệ ngoại thương. Tư doanh và quốc doanh là đôi cánh đại bàng
cùng góp sức cho nền kinh tế cất cánh vào giai đoạn phát triển tự duy.