trên hai trụ cột chính: sự phân công lao động quốc tế và toàn cầu hóa việc
sử dụng hiệu quả tài nguyên. Điều này có nghĩa là các nước nghèo phải nỗ
lực nhiều hơn vì xuất phát điểm thấp.
Tấm vé vào WTO không phải là tấm vé bảo hiểm cho sự thịnh vượng.
Một số ít nền kinh tế đã không thực sự thành công sau khi vào WTO, tất
nhiên phần lớn là do lỗi của họ. Nhưng quyết định chọn tấm vé đó thể hiện
quyết tâm của một cộng đồng dân tộc chọn con đường đi đến thịnh vượng
bằng cách hợp tác hòa bình với những cộng đồng dân tộc khác đồng thời
sẵn sàng cạnh tranh quyết liệt và sòng phẳng với họ trên một thị trường
(không phải chiến trường) rộng lớn, có phạm vi toàn cầu. Bộ trưởng
Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng việc gia nhập WTO của Việt
Nam “đồng nghĩa với việc chúng ta có một giấy chứng nhận quốc tế về tiến
trình cải cách… Tiến trình đổi mới của chúng ta đã được thế giới công
nhận”.
Cuộc hành trình đi đến thịnh vượng của nước ta, theo cách thức tương tự
với nhiều nước khác, đã bắt đầu. Đó là một hành trình rất có triển vọng.
Người ta không ngần ngại dự đoán rằng đến năm 2025, Việt Nam sẽ là nền
kinh tế có quy mô đứng vào hàng thứ 17 trên thế giới. Điều đó nghĩa là nền
kinh tế của chúng ta phải tăng tốc so với các nền kinh tế khác trong một
chặng đua đường dài 20 năm, trong khi các nền kinh tế khác đều nỗ lực
tăng tốc như ta. Chạy nhanh đã khó, chạy nhanh hơn không những cần đến
cơ bắp được khổ luyện mà còn cần đến ý chí quyết thắng, sức mạnh tinh
thần.
Để bước vào sân chơi phẳng của thế giới, chúng ta phải xây dựng một
sân chơi phẳng trong nước, nơi đó đồng vốn, con người, công nghệ, tài
nguyên thiên nhiên được trao cho những người biết sử dụng hiệu quả nhất
nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.
Điều này sẽ là bất khả thi nếu tình trạng bao cấp doanh nghiệp nhà nước
vẫn tồn tại. Nhà nghiên cứu Đào Xuân Sâm đã nhận định chính xác rằng
“Chỉ khi xóa bỏ được cơ chế nhà nước công quyền đồng thời làm chức
năng nhà đầu tư và điều hành sản xuất kinh doanh, chúng ta mới có thể