giám Thống kê 1998). Tuy nhiên, như trên đã nói, đầu tư nước ngoài sẽ
giúp khởi động một loạt các dự án đầu tư trong nước mang tính chất thâm
dụng lao động, tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn. Điều quan trọng là đầu
tư nước ngoài có tác dụng tích cực trong việc nâng cao tay nghề, kỹ năng
lao động và thu nhập lao động trong nước. Kết quả này sẽ trở thành động
lực thúc đẩy các nỗ lực xã hội và cá nhân nhằm đào tạo và tự đào tạo để có
được kỹ năng và kiến thức cao hơn với mong muốn có thu nhập cao hơn.
Lực lượng lao động trong nước sẽ dần dần đáp ứng được các yêu cầu đặt ra
của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến một yếu tố ngoại lực quan trọng: thị
trường. Đầu tư trong nước sẽ không thể tăng trưởng nhanh nếu sản phẩm
của nó không tìm được thị trường bên ngoài. Hội nhập kinh tế cũng đồng
thời là phân công quốc tế và những nước thành công trong hội nhập cũng
đồng thời là những nước giành được ưu thế trong phân công quốc tế, tức là
có thể đưa sản phẩm của mình thâm nhập thị trường với giá cả và chất
lượng tốt hơn. Tuy nhiên, những nỗ lực tự thân để chiếm được ưu thế sản
phẩm về giá cả và chất lượng cần được hỗ trợ bởi những nỗ lực nhằm phá
vỡ những rào cản được dựng lên để ngăn chặn sự thâm nhập thị trường của
các sản phẩm đó: thuế quan, hạn ngạch, điều kiện về tiêu chuẩn chất lượng,
điều kiện về lao động và các điều kiện phức tạp khác… Và việc đi tìm, mở
rộng thị trường không chỉ dừng lại ở thị trường sản phẩm. Xuất khẩu lao
động cũng là một giải pháp nên được ưu tiên chú trọng, đặc biệt là đối với
những nước nghèo, đông dân. Đây là một giải pháp có nhiều tác dụng: giải
quyết được công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, tăng nguồn dự trữ ngoại
tệ và trong nhiều trường hợp còn giúp nâng cao tay nghề của người lao
động.
Giải quyết bài toán tăng trưởng kinh tế cũng chính là giải quyết các bài
toán liên quan đến các yếu tố nội lực như nguồn vốn, lao động, kỹ năng
quản lý và công nghệ. Để đạt đến thịnh vượng, các yếu tố nội lực đều phải
được tăng cường cả về chất lẫn lượng. Trong quá trình phát triển nội lực,
các yếu tố ngoại lực cần phải được cân nhắc tranh thủ nhằm bổ sung nguồn