Năng lực an toàn mà Mỹ tìm kiếm là năng lực không cùng chết.
Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ từng có một thời gian ngừng
nghiên cứu dự án chiến tranh giữa các vì sao. Thời gian giữa và
cuối thập niên 90 thế kỷ XX. quân đội Mỹ đề xuất khôi phục việc
bố trí nghiên cứu dự án phòng thủ không gian vũ trụ và đổi tên là
Kế hoạch phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD), nhưng chính phủ
Clinton không ra quyết định. Năm 2001 Bush con lên cầm quyền,
bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, trong tình hình
không ai có thể cạnh tranh, chính phủ Bush quyết tâm huy động sức
mạnh to lớn của nền kinh tế quân sự và khoa học kỹ thuật vào việc
nghiên cứu bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia, xây dựng
một mạng lưới phòng ngự giao thoa lập thể trên vũ trụ nhằm bảo
đảm an toàn tuyệt đối cho Mỹ. Các nhà quân sự Mỹ nói: “Ngày hoàn
thành các hệ thống NMD và TMD (hệ thống phòng thủ tên lửa
chiến trường) sẽ là ngày giải trừ vũ trang hạt nhân của Trung
Quốc”. Nói như vậy tuy có chút khoa trương nhưng cũng không phải
là cố ý hù dọa.
Sự phát triển vũ khí hạt nhân của Mỹ một mặt đi theo hướng thực
dụng hóa, biến vũ khí hạt nhân từ vũ khí chiến lược thành vũ khí
chiến dịch và chiến thuật, biến nó từ loại “vũ khí dọa người” to xác
cồng kềnh nhưng khó sử dụng thành “vũ khí đánh người” thực tế
có thể sử dụng, biến thành “vũ khí hạt nhân thông thường” có uy lực
lớn. Mặt khác lại phát triển theo hướng tuyệt đối hóa, tức là thông
qua hai hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia và chiến trường
nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nước Mỹ trước sự đe dọa của
vũ khí hạt nhân. An toàn tuyệt đối của Mỹ còn có một mặt nữa là sự
tuyệt đối không an toàn của người khác, tức là muốn để cái công
tắc hòa bình và an ninh thế giới hoàn toàn nắm trong tay người
Mỹ, chẳng khác gì giải trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân của người khác.