thuyết siêu dây còn cho thấy hơn thế: trong khuôn khổ của lý thuyết mới,
hai lý thuyết này còn trở nên cần thiết cho nhau để làm cho lý thuyết mới
có nghĩa.
Theo lý thuyết siêu dây thì cuộc hôn phối giữa hai lý thuyết
đó không những chỉ là hạnh phúc mà còn không thể tránh được.
Đó mới chỉ là một phần của tin tức tốt lành. Lý thuyết siêu dây – mà sau
này để ngắn gọn ta gọi là lý thuyết dây – còn xem sự kết hợp này là một
bước tiến khổng lồ. Trong suốt ba chục năm ròng, Einstein đã tìm kiếm một
lý thuyết thống nhất của vật lý, một lý thuyết có khả năng đan bện tất cả
các lực của tự nhiên và tất cả các thành phần tạo nên vật chất trong một tấm
thảm lý thuyết duy nhất. Nhưng ông đã thất bại. Giờ đây, vào buổi bình
minh của thiên niên kỷ mới, những chuyên gia của lý thuyết siêu dây tuyên
bố rằng những đầu mối của tấm thảm thống nhất khó nắm bắt này cuối
cùng đã được hé lộ.
Lý thuyết dây có khả năng chứng tỏ rằng tất cả
những điều kỳ diệu của Vũ trụ đều xuất phát từ một nguyên lý vật lý
duy nhất, từ một phương trình cơ bản duy nhất, từ vũ điệu cuồng loạn
của hạt quark trong nguyên tử tới điệu van nhịp nhàng của các hệ sao
đôi, từ vụ nổ nguyên tử (Big Bang) tới vòng xoáy tuyệt đẹp của các
thiên hà...
Nhưng tất cả những điều đó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi một cách căn
bản quan niệm của chúng ta về không gian, thời gian và vật chất, vì vậy
phải có thời gian để quen dần, thấm dần tới mức ta cảm thấy thật thoải mái.
Như chúng ta sẽ thấy, khi được nhìn nhận trong bối cảnh riêng của nó, lý
thuyết dây xuất hiện như một hệ quả tự nhiên và đầy kịch tính của những
phát minh có tính cách mạng của vật lý học trong suốt một trăm năm qua.
Thực tế, sự xung đột giữa thuyết tương đối rộng và lý thuyết lượng tử
không phải là cuộc xung đột đầu tiên mà là thứ ba trong dãy những xung
đột có tính chất bước ngoặt trong một thế kỷ qua. Cứ mỗi lần một cuộc
xung đột được giải quyết là một lần sự hiểu biết của chúng ta về tự nhiên
lại có những biến đổi đáng ngạc nhiên.