Như vậy, chúng ta thấy rằng, theo lý thuyết dây, những tính chất quan sát
được của một hạt sơ cấp xuất hiện là bởi vì dây nội tại của nó thực hiện một
mode dao động cộng hưởng cụ thể nào đó. Quan điểm bày khác hẳn với
quan điểm của các nhà vật lý trước khi phát minh ra lý thuyết dây; vào thời
đó, sự khác nhau giữa các hạt sơ cấp, thực tế, được giải thích bằng cách nói
rằng mỗi loại hạt được "cắt từ một loại vải khác nhau". Mặc dù mỗi hạt đều
được xem là sơ cấp, nhưng loại "vật liệu" tạo ra chúng lại được xem là khác
nhau. Chẳng hạn, vật liệu electron có điện tích âm, trong khi đó vật liệu
nơtrinô lại không mang điện.
Lý thuyết dây làm thay đổi bức tranh đó
một cách triệt để bằng cách tuyên bố rằng "vật liệu" của mọi hạt vật
chất và của tất cả các lực đều như nhau. Mỗi một hạt sơ cấp được tạo
bởi một dây, tức là mỗi hạt là một dây và tất cả các dây đều hoàn toàn
như nhau
. Sự khác nhau giữa các hạt xuất hiện là bởi vì các dây tương ứng
của chúng thực hiện các mode dao động khác nhau. Các hạt cơ bản khác
nhau thực sự là các "nốt" khác nhau trên một dây cơ bản. Còn vũ trụ, được
cấu tạo bởi một số khá lớn các dây dao động đó, thì tựa như một bản giao
hưởng vậy.
Cái nhìn khái quát đó đã cho thấy lý thuyết dây mang đến cho chúng ta một
khuôn khổ thống nhất tuyệt vời đến mức nào. Một hạt vật chất và tất cả các
hạt truyền tương tác đều gồm một dây mà mode dao động của nó chính là
"dấu vân tay" nhận dạng của chúng. Vì bất cứ một sự kiện hay một quá
trình vật lý nào, ở mức cơ bản nhất của nó, đều có thể được mô tả thông
qua những lực tác dụng giữa các thành phần vật chất sơ cấp đó, nên lý
thuyết dây hứa hẹn là một lý thuyết có khả năng mô tả một cách thống nhất,
toàn vẹn và duy nhất vũ trụ vật lý, tức là một lý thuyết về tất cả (tiếng Anh
thường viết tắt là T.O.E - theory of everything).