Nhìn dưới góc độ tư duy sáng tạo, nếu hiểu phát minh, sáng chế theo nghĩa
rộng, tư duy sáng tạo sáng chế và tư duy sáng tạo phát minh cũng có mối
quan hệ tương tự nhưng lần này là trong cùng một con người. Nhà sáng chế,
khi suy nghĩ tạo ra đối tượng trước đây chưa có, nhiều khi phải suy nghĩ tìm
kiếm, phát hiện những cái đã có, tồn tại độc lập đối với mình và thỏa mãn
các yêu cầu sáng chế của mình. Ví dụ, nhà sáng chế Edison trong quá trình
sáng chế đèn phát sáng nhờ đốt nóng phải làm công việc tìm kiếm và phát
hiện loại vật liệu thích hợp làm dây tóc (phát minh theo nghĩa rộng). Ngược
lại, nhà phát minh nhiều khi phải sáng chế (theo nghĩa rộng) ra đối tượng
trước đây chưa có rồi chỉ khi chứng minh được rằng nó trùng với (phản ánh)
quy luật khách quan có sẵn mới được công nhận là phát minh. Ví dụ, nhà
phát minh Newton khi mới đưa ra công thức
thì công thức đó
được coi là sáng chế cho đến khi chứng minh được rằng nó phản ánh đúng
quy luật khách quan (phát minh) trong thế giới vật chất. Trong ý nghĩa này,
các giả thiết (thuyết) khoa học khi chưa được chứng minh, đều có thể coi là
các sáng chế.
∗ ∗ ∗
Theo thần thoại Hy Lạp, sau khi tất cả sinh vật được tạo thành từ đất và
lửa, hai anh em thần Prométhée và Epiméthée ban phát cho các loài vật của
cải và năng lực. Loài được sừng và móng, loài được bộ răng nhọn, loài được
bộ lông ấm, loài biết bay, loài biết bơi… Đến lượt con người thì không còn
gì cả. Để giúp loài người yếu ớt thoát khỏi cái chết khó tránh, thần
Prométhée dũng cảm, dù biết trước mình bị trừng phạt, đã ăn cắp ngọn lửa
trời và đem cho loài người. Đó là buổi bình minh của quá trình con người
thoát dần khỏi thế giới động vật.
Có nhiều cách giải thích ý nghĩa tượng trưng ngọn lửa của thần
Prométhée nhưng tựu trung lại, đó chính là khả năng chỉ con người mới có.
Sẽ chẳng làm ai ngạc nhiên nếu nói: "Con người là động vật có khả năng tư
duy". Phải chăng tư duy, trí tuệ chính là ngọn lửa thần và mỗi người bình
thường đều có ngọn lửa thiêng ấy. Đối với từng con người cụ thể thì sao: