Để tránh rườm rà, trên Hình 148 chỉ vẽ một số yếu tố và mối liên kết. Hệ
thống các kiến thức cơ sở của PPLSTVĐM được biểu diễn trên hình 148, có
800 yếu tố và về mặt nguyên tắc, có thể có 800 x (800 - 1) = 800 x 799 =
639.200 các mối liên kết. Từ đây, chúng ta có thể thấy tiềm năng của hệ
thống các kiến thức cơ sở là rất lớn và cần khai thác, sử dụng tiềm năng này
để xây dựng các công cụ của PPLSTVĐM.
Thứ ba, về các cách thức khai thác, sử dụng hệ thống các kiến thức cơ
sở.
- Các hệ thống như ôtô, tàu thủy, máy bay thường được khai thác, sử dụng
như các hệ thống trọn vẹn, hiểu theo nghĩa, nếu chỉ khai thác sử dụng một số
bộ phận (yếu tố) thì không có lợi như chúng được thiết kế ra. Ví dụ, nếu sử
dụng phần còn lại của máy bay sau khi bỏ cánh máy bay, thì máy bay thay
đổi chức năng, không bay được nữa (tính toàn thể bị mất hiệu lực) và là một
sự lãng phí lớn. Lúc này, giỏi lắm máy bay chỉ hoạt động như xe buýt.
Hệ thống các kiến thức cơ sở khác với các hệ thống kiểu vừa nêu trên ở
chỗ, các bộ phận (các yếu tố cuối cùng, các tổ hợp các yếu tố cuối cùng) của
hệ thống các kiến thức cơ sở có thể và cần được khai thác, sử dụng để
nghiên cứu xây dựng các công cụ đa dạng của PPLSTVĐM, phù hợp với sự
đa dạng (về lĩnh vực, về các mức độ khó, về các điều kiện, yêu cầu giải) của
các bài toán có trên thực tế. Nói cách khác, nhìn theo quan điểm hệ thống,
hệ thống các kiến thức cơ sở của PPLSTVĐM được khai thác, sử dụng ở các
thang bậc hệ thống khác nhau, từ hệ thống đến các hệ dưới, các hệ dưới
nữa... đến tận các yếu tố cuối cùng.
Nhằm mục đích minh họa, Hình 149 dưới đây mô tả một số trong vô số
các bộ phận có thể có, “tháo ra” từ hệ thống các kiến thức cơ sở, mà các bộ
phận đó cũng chính là các hệ thống (hiểu theo nghĩa tương đối) với các
thang bậc hệ thống khác nhau, góp phần xây dựng hệ thống đa dạng các
công cụ của PPLSTVĐM.