“Chà, chắc chắn tôi thì không thể bảo anh cứ thế mà tiến hành,” Zeke nói.
“Cá nhân tôi muốn xem mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng nếu anh
gặp rắc rối, thì chúng tôi không can hệ gì đâu.”
“Tôi không đi tìm người đứng ra nhận trách nhiệm. Tôi chỉ muốn biết ý
tưởng đó có ổn hay không thôi.” Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng quả tình ý định
của tôi chỉ là thế. Trước khi bắt tay vào một cuộc thí nghiệm, hãy hỏi ý kiến
của những người đã từng kinh qua nó.
“Tôi thấy được. Nhưng anh nên tham khảo ý kiến của FBI.” Vậy là tròn một
vòng – người này chỉ sang người khác.
Vậy đấy, tôi gọi cho Bộ Năng lượng, OSI của Không quân và một anh chàng
ở Cục Quân Báo. Tất nhiên, không ai chịu đứng ra nhận lấy trách nhiệm,
nhưng cũng không ai phản đối gì. Tôi cũng chỉ cần có thế.
Tới thứ Tư, nếu có người phản đối cũng muộn mất rồi. Tôi đã bị ý tưởng của
Martha thuyết phục, và sẵn sàng bảo vệ nó đến cùng.
Như đã định trước, ngay chiều hôm đó, gã hacker xuất hiện. Trước đó, tôi
được Dianne Johnson, đại diện của Bộ Năng lượng, mời ăn trưa tại quán
Pastorale Café ở Berkeley. Cùng với Dave Stevens, chuyên gia toán học của
trung tâm máy tính, chúng tôi vừa ăn vừa bàn về các kế hoạch và tiến triển
công việc.
Vào lúc 12 giờ 53 phút, khi tôi đang uống dở một cốc cappucino thì máy
nhắn tin vang lên. Mã Morse báo hiệu gã hacker đang đăng nhập vào máy
Unix-4 với tài khoản Sventek. Không kịp nói lời nào, tôi chạy vội đến bốt
điện thoại công cộng để gọi cho Steve White ở Tymnet (mất 2,25 đô-la, trả
bằng cách đút từng đồng 25 xu vào máy), và anh gấp rút bắt đầu cuộc lần
dấu. Gã hacker chỉ hoạt động trong ba phút, vừa kịp để xem ai đang đăng
nhập vào máy tính của tôi. Tôi quay trở lại bàn ăn trước khi ly cà phê nguội
đi.