Lịch sử đã chứng minh rằng, không có cuộc chuyển biến cách mạng nào mà không là
hoạt động đông đảo của quần chúng nhân dân. Họ là lực lượng cơ bản của cách mạng,
đóng vai trò quyết định thắng lợi của mọi cuộc cách mạng. Trong các cuộc cách mạng
làm chuyển biến xã hội từ hình thái kinh tế - xã hội này sang hình thái kinh tế - xã hội
khác, nhân dân lao động là lực lượng tham gia đông đảo. Cách mạng là ngày hội của
quần chúng, là sự nghiệp của quần chúng. Tất nhiên, suy đến cùng, nguyên nhân của mọi
cuộc cách mạng là bắt đầu từ sự phát triển của lực lượng sản xuất, dẫn đến mâu thuẫn
với quan hệ sản xuất, nghĩa là bắt đầu từ hoạt động sản xuất vật chất của quần chúng
nhân dân. Bởi vậy, nhân dân lao động là chủ thể của các quá trình kinh tế, chính trị, xã
hội, đóng vai trò là động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội.
Thứ ba, quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần.
Quần chúng nhân dân đóng vai trò to lớn trong sự phát triển của khoa học, nghệ thuật,
văn học, đồng thời, áp dụng những thành tựu đó vào hoạt động thực tiễn. Những sáng
tạo về văn học, nghệ thuật, khoa học, y học, quân sự, kinh tế, chính trị, đạo đức... của
nhân dân vừa là cội nguồn, vừa là điều kiện để thúc đẩy sự phát triển nền văn hóa tinh
thần của các dân tộc trong mọi thời đại. Hoạt động của quần chúng nhân dân từ trong
thực tiễn là nguồn cảm hứng vô tận cho mọi sáng tạo tinh thần trong đời sống xã hội.
Mặt khác, các giá trị văn hóa tinh thần chỉ có thể trường tồn khi được đông đảo quần
chúng nhân dân chấp nhận và truyền bá sâu rộng, trở thành giá trị phổ biến.
Tóm lại, xét từ kinh tế đến chính trị, từ hoạt động vật chất đến hoạt động tinh
thần, quần chúng nhân dân luôn đóng vai trò quyết định trong lịch sử. Tuy nhiên, tùy
vào điều kiện lịch sử mà vai trò chủ thể của quần chúng nhân dân cũng biểu hiện khác
nhau. Chỉ có trong chủ nghĩa xã hội, quần chúng nhân dân mới có đủ điều kiện để phát
huy tài năng và trí sáng tạo của mình.
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân
dân, như Nguyễn Trãi đã nói: "Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, thuận
lòng dân thì sống, nghịch lòng dân thì chết". Đảng Cộng sản Việt Nam cũng khẳng
định rằng, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, và quan điểm "lấy dân làm gốc"
trở thành tư tưởng thường trực nói lên vai trò sáng tạo ra lịch sử của nhân dân Việt
Nam.
b) Vai trò của lãnh tụ
Trong mối quan hệ với quần chúng nhân dân, lãnh tụ có nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, nắm bắt xu thế của dân tộc, quốc tế và thời đại trên cơ sở hiểu biết những quy
luật khách quan của các quá trình kinh tế, chính trị, xã hội. Thứ hai, định hướng chiến
lược và hoạch định chương trình hành động cách mạng. Thứ ba, tổ chức lực lượng, giáo
dục thuyết phục quần chúng, thống nhất ý chí và hành động của quần chúng nhằm hướng
vào giải quyết những mục tiêu cách mạng đề ra.
Từ nhiệm vụ trên ta thấy lãnh tụ có vai trò to lớn đối với phong trào quần chúng
Lênin viết: "Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu
211