CHƯƠNG IV
Khái niệm của Người-ngựa về chân lý và sự giả dối. - Câu chuyện của
tác giả dẫn tới sự công phẫn của chủ nhân. - Chuyện kể chi tiết hơn của tác
giả về mình và các chuyến đi của mình.
C
hủ nhân nghe tôi với biểu lộ rất bất mãn trên nét mặt. Sự nghi ngờ và
sự không tin cậy không được biết đến ở đất nước này tới mức những Ngựa-
người hoàn toàn không biết họ nên xử sự như thế nào trong các trường hợp
ấy. Tôi nhớ rằng trong lúc trò chuyện với chủ nhân về những con người,
những phong tục tập quán của họ có lần tôi nhắc tới sự gian dối và lường
gạt, thì ông mặc dù đã vận dụng hết sự hiểu biết của mình vẫn khó khăn lắm
mới hiểu tôi muốn nói gì. Ông suy luận như sau: khả năng của ngôn ngữ
giúp cho chúng ta hiểu được nhau và thông báo cho nhau những kiến thức
có ích về các đối tượng khác nhau. Bởi thế nếu như ai đó khẳng định rằng
không có cái gì đó thì sự ấn định của ngôn ngữ chúng ta hoàn toàn bị bóp
méo. Còn ai nói chuyện với người đó thì sẽ không thể hiểu được người
cùng tiếp chuyện của mình. Anh ta sẽ không tiếp thu được kiến thức mới
nào mà còn trong tình trạng hết sức tồi tệ vì người ta cố tình làm anh ta tin
rằng trắng là đen, dài là ngắn. Điều đó cũng hạn chế tất cả khái niệm của
anh ta đối với khả năng dối trá mà khả năng này được mọi người vận dụng
phổ biến.
Nhưng chúng ta hãy quay về câu chuyện của chúng tôi. Sau khi nghe
Yahoo chiếm vị trí thống trị ở Tổ quốc tôi ông muốn biết là có ngựa ở đất
nước tôi không và chúng có vai trò gì. Tôi trả lời ông rằng chúng có rất
nhiều ở chỗ chúng tôi. Mùa hè chúng được gậm cỏ trên các đồng cỏ, còn
mùa đông chúng được giữ trong các căn nhà đặc biệt, người ta cho chúng
ăn cỏ khô, dùng bàn chải kỳ cọ chúng sạch sẽ, chải bờm cho chúng, rửa
chân, bỏ thức ăn và dọn chuồng.