thân, bỏ về.
Những ngày sau đó là những ngày tẩm bổ. Các thứ thịt và các thứ cá ngoài chợ, mẹ tôi mua
gần như không sót thứ gì. Rồi mẹ tôi bắt đầu chiên, xào, kho, nướng, hấp, luộc, hầm, rô - ti,
nhúng giấm, bóp chanh. Mùi hành mỡ thơm nức mũi. Ba tôi vừa ăn vừa gật gù khen ngon.
Nhưng tôi lại chẳng ăn được gì. Không hiểu sao, tôi chẳng buồn ăn. Tôi nhấm nháp như
mèo.
Thấy tôi nhai rệu rạo, uể oải, mẹ tôi buông đũa, ngán ngẩm:
- Con làm sao thế ?
Tôi lắc đầu:
- Con chẳng biết. Con chẳng thấy muốn ăn.
Ba tôi đề nghị:
- Cho nó đi đổi gió đi thôi!
Mẹ quay sang ba:
- Đi đâu ?
- Cho nó về bên ngoại. Xuống dưới quê ở với dì Sáu vài ba tháng, họa may nó mới mập lên
được!
Thế là tôi về quê ngoại. Tôi đến ở nhà dì Sáu. Ngày đi tôi chỉ mang theo mấy bộ quần áo
và dăm cuốn truyện.
Dì Sáu là em ruột mẹ tôi. Dì ở làng Hà Xuyên, sống bằng nghề làm ruộng. Thỉnh thoảng, gặp
lúc túng quẫn, mẹ tôi vẫn thường đến nhờ vả dì. Những lúc đó, bao giờ mẹ tôi cũng chở về
nhà vài mươi ký gạo. Nói chung, dì và mẹ tôi, hai chị em rất thương nhau.
Làng Hà Xuyên cách đường quốc lộ khoảng ba cây số về miệt biển. Dẫn vào làng là một ngõ
trúc quanh co, sâu hút, đẹp như tranh vẽ. Trưa đứng bóng, luồn qua ngõ trúc vẫn mát rượi.
Nắng bị chặn lại trên những ngọn trúc cong cong, chỉ rụng xuống con đường làng đầy lá khô
và phân bò những giọt vàng lốm đốm.
Không có nắng nhưng ngõ trúc đầy tiếng chim. Từ sáng đến chiều, lũ chim sẻ, chim sâu,
chách hoạch và chào mào đua nhau hót líu lo Trên những cành nhánh lúc nào cũng đong
đưa theo gió. Ngày tôi khăn gói về quê ngoại, lũ chim sẻ dạn dĩ chào mừng tôi bằng cách rủ
nhau sà xuống mặt đường nhặt những hạt thóc rơi vãi từ những chiếc xe bò đủng đỉnh đi
ngang. Chúng nhặt thóc sát ven đường, ngay cạnh cây mâm xôi tim tím và bụi mắc cỡ đầy