sống của mình!
Nhờ nhận thức đúng đắn đó mà ngay cả trong những thời điểm khó khăn
nhất, tôi cũng chưa bao giờ phải khổ sở, lo lắng vì chuyện tiền bạc. Khi
công việc kinh doanh không được thuận lợi, doanh thu giảm sút, nhà xuất
bản đứng trước nguy cơ phá sản, tôi cùng chồng và các đồng nghiệp đã
đem hết tất cả khả năng, nỗ lực để xoay chuyển tình thế. Chúng tôi dồn tâm
trí cho công việc nhiều hơn, khuyến khích nhân viên cấp dưới làm việc có
hiệu quả hơn, cố gắng thu hồi nợ từ các đại lý phát hành, mọi chi tiêu cho
sinh hoạt văn phòng cũng được tiết kiệm tối đa. Nhờ đó, chúng tôi đã vượt
qua được thời kỳ khủng hoảng. Tôi lại có thể yên lòng để say mê theo đuổi
công việc viết sách. Cách đây hơn 200 năm, nhà văn Charles Dickens đã
nói: “Nếu chi phí hết 19 đồng trong tổng số 20 đồng thu nhập hàng tháng,
bạn là người hạnh phúc và giàu có. Nhưng nếu thu nhập hàng tháng là 50
đồng, mà chi phí sinh hoạt lên tới 53 đồng, bạn sẽ trở nên bất hạnh và
nghèo khổ”.
Sống trong nợ nần thì khó mà cảm thấy hạnh phúc được. Nhưng nếu cứ
hùng hục làm việc bất kể ngày đêm để theo đuổi giàu sang và danh vọng thì
chúng ta cũng sẽ chẳng bao giờ hiểu được giá trị của hạnh phúc đích thực.
Tiền bạc tuy không mua được hạnh phúc, nhưng nó giúp ta không lâm vào
cảnh túng thiếu, nợ nần, nghĩa là tránh được nỗi lo lắng về tài chính; và khi
cần, nó có thể giúp ta chia sẻ, tương trợ cho những ai đang gặp hoàn cảnh
khó khăn, khổ sở. Chính điều này mới mang lại cho ta cảm giác hạnh phúc.
Điều quan trọng nhất là chúng ta phải nhận ra được ranh giới và sự khác
biệt giữa muốn và cần. Chúng ta cần tiền bạc, chứ không phải lúc nào cũng
muốn tiền bạc. Sự khác biệt giữa hai điều này rất khó nhận ra, và chỉ những
người luôn biết giữ mình mới có thể nhận ra được! Mà khi đã có được một
thái độ đối với tiền bạc như vậy rồi, chắc chắn cuộc đời ta sẽ được thanh
thản, mãn nguyện!