VÀI LỜI GHI CHÚ Ở ĐẦU SÁCH
N
hà xuất bản có nhã ý dành cho tôi, người có tên gọi là nhà bác học,
một vài lần xuất hiện trong cuốn hồi ký này, một chương ở cuối sách -
Chương 27: “Cụ muốn viết dài bao nhiêu cũng được, miễn là cụ nói được
hết những điều cụ cần nói với bạn đọc trẻ qua cuộc thí nghiệm li kỳ và đặc
biệt có ý nghĩa xã hội này”. Ban đầu tôi cũng định tranh thủ mượn cuốn
hồi ký trình bày sơ bộ ý đồ tập khảo luận có tính triết học của tôi về các
khái niệm tự do, tự do tuyệt đối và cảm giác về hư vô... và bao nhiêu vấn đề
liên qua khác nữa. Nhưng nghĩ lại, làm như vậy chẳng hóa ra mình lạm
dụng lòng tốt của Nhà xuất bản và lợi dụng sự dễ dãi của bạn đọc quá sao,
bắt ép các độc giả trẻ tuổi phải đọc những điều chưa chắc họ đã thích. Vì
thực ra tập sách 60 chương như vậy là đủ rồi. Nhưng mà nhà xuất bản
khăng khăng cho tôi là kẻ “đầu têu” vụ tàng hình có một không hai này
của hai cậu bé, không thể không có vài lời với các bạn đọc. Buộc lòng, tôi
chỉ xin vắn tắt vài dòng và cuối cùng được Nhà xuất bản cho đặt ở đầu tập
sách coi như lời “tuyên bố” của tôi. Nhờ có cuốn hồi ký này mà thiên khảo
luận 20 tập, dày ngót nghét 20.000 trang (hai mươi ngàn, tôi gạch dưới!”)
công trình gần trọn đời của tôi khỏi phải tới tay bạn đọc, nhất là các bạn
đọc trẻ, khỏi mất một lượng giấy chắc chắn không phải ít, và không kể còn
cảm ơn số 1, số 2 và những người bạn không quen khác có mặt trong cuốn
hồi ký này, đã giúp tôi thoát khỏi... sự lãng phí to lớn đó.
Vì suy cho cùng như Goethe - một nhà thơ lớn người Đức nói: “Cây đời
luôn xanh tươi, còn lý thuyết thì xám xịt”.
60 chương (trong đó có một chương trích trong tập Nhật ký của một nữ
sinh mà tôi đọc rất thích) chính là những cây đời mà các bạn sẽ tìm thấy
chất tươi xanh, sẽ thay cho 60 tập khảo luận xám xịt của nhà triết học.
Bây giờ tôi xin nhường lời cho các bạn trẻ của tôi.