Nguyễn Xuân Khánh
Hồ Quý Ly
Phần VIII- Chương -1
Trong vườn ngự uyển
Trần Nguyên Hàng, Trần Khát Chân đã tính sai. Cả bà cung nữ dày dạn
kinh nghiệm kia cũng tính sai nốt. Trần Thuận Tôn, sau khi khỏi bệnh,
bỗng biến đổi hoàn toàn, khác hẳn dự tính của mọi người. Ông vua con,
như ta biết, vốn được hưởng một nền giáo dục rất nghiêm ngặt, rất khổng
giáo. Chàng lại còn ham mê sách vở, là con người trầm tư. Về mặt thể tạng,
Trần Ngung gầy gò ốm yếu, không phải sinh ra để đam mê những thú vui
thể xác.
Căn bệnh hiểm nghèo đã làm chàng, trong một thời gian, quên mất địa vị,
thân phận, sách vở và những lời nói vàng ngọc của các bậc thánh hiền cũng
tan biến trong cơn rồ dại; những cử chỉ thanh nhã, tế nhị mà cuộc sống
cung đình đã vun trồng tạo thành từ bao năm nay bỗng bị lãng quên,
nhường chỗ cho những bản năng, những thèm khát như những con thú mơ
màng ngủ lịm bỗng chồm thức dậy.
May mắn thay, những con thú đã được xổng xích. May mán thay, những
cơn điên rồ đã làm chàng được sổ lồng. Những ràng buộc nghi thức và tinh
thần được nới lỏng, làm chàng lạc vào miền lạc thú; và lạc thú đã cứu
chàng khỏi bị tù hãm trong xứ hôn mê. Lạc thú đã làm thức dậy sự sống, nó
xoa dịu, ru ngủ những đau buồn, thất bại. để đem lại một cân bằng; cuối
cùng an hoà ngự trị...
Nhưng một khi tỉnh lại, Thuận Tôn bỗng trở lại như Thuận Tôn khi xưa.
Điên rồ ra đi, lý trí trở về. Nó lập tức không cho phép chàng sống như
những ngày rồ dại. Dư vị của những ngày ấy nay chỉ còn là những tiếng thở
dài, một nỗi luyến tiếc mơ hồ ngọt ngào; có lúc, nó trở thành một niềm xấu
hổ, nỗi sợ hãi của một kẻ đã phạm một điều cấm kị. Chắc chắn đó là nôi
đày vò của một con người hiền lương - Cũng chắc chắn Thuận Tôn là một
con người hiền lương. mà những dấu vết của đạo lý của sách vở, bao giờ
cũng là những khuôn mẫu, những vết hàn in đậm trong tâm trí không thể
mờ phai.