Nguyễn Xuân Khánh
Hồ Quý Ly
Chương 3
Đêm thứ ba ngày hội Tây Đô.
Tôi vừa đi dự tiệc trong hoàng cung trở về. Đủ mặt các vị đại thần. Bữa tiệc
đầu tiên của triều đình kể từ khi Tây Đô xây dựng xong. Đêm nay cha tôi
vui chưa từng có. Tôi như còn thấy gương mặt hớn hở với đôi mắt sáng
lóng lánh, và cả cái giọng sang sảng của thân phụ tôi khi ông đọc bài giải
nhất cuộc thi phú với đầu đề “Phú con ngựa lá”.
Cha sai tôi viết thông báo để mọi người dự thi ở Quảng Văn Lâu ngoài cửa
Tiền. Thực ra, việc làm đó chỉ là nghi thức, bởi vì hầu hết các quan trong
triều đã biết chuyện đó, biết đầu đề bài phú, còn biết cả thể lệ cuộc thi ra
sao. Nói cuộc thi dành cho tất cả học trò trong nước, nhưng thực ra đó là
cuộc thi của các bậc danh sĩ, toàn các bậc đô đạt, tiếng tăm viết bài. Lúc tôi
đi công cán ở Yên Tử, cha tôi đã nghĩ ra đầu đề, sao chép ra nhiều bản, gửi
đến các ngài khoa bảng và các quan văn trong triều. Cha tôi thật khéo? Như
vậy đã buộc các bậc triều thần hay chữ người nào cũng phải viết một bài
văn ca tụng Tây Đô. Vả lại, không cứ gì các văn quan mới hay chữ, cả các
võ quan cũng thế, tôi nhẩm tính hầu hết các vị tướng trong triều ông nào
cũng làm thơ cả; người ta không thích mang tiếng võ biền, ông nào cũng
muốn được kể vào hàng văn võ song toàn. Do vậy, một số quan võ cũng
nhận đầu đề làm bài phú về con bọ ngựa.
Trong bữa tiệc, cha tôi vui miệng kể cho cả triều đình nghe:
- Khi thượng tướng Khát Chân báo tin mọi công việc xây dựng Tây Đô đều
đã hoàn thành tốt đẹp. Tôi rước vua vào kinh đô mới. Kiệu vua đi trên con
đường đá thẳng tới cửa Tiền. Gần tới nơi, thấy một đoàn dân chúng già có,
trẻ có, bầy hương án và tung hô vạn tuế, phủ phục chào thiên tử. Tôi thay
mặt nhà vua ra phủ dụ dân chúng. Một ông già đầu tóc bạc phơ, đại diện
các bô lão trong vùng, quỳ xuống dâng lên một chiếc hộp lồng kính. Nhìn
vào thấy một con bọ lá có hình dáng giống hệt con ngựa. Không phải là
giống bọ ngựa đâu? Khác lắm? Như một con thiên lý mã vậy? Các cụ bảo: