4. Tôn trọng năng khiếu của chính mình
Giữa năng khiếu và hiểu biết thì năng khiếu là cái có trước, cái bẩm sinh.
Người thông thái tự cổ xưa đã biết dùng cái hiểu biết học được ở đời để
phát triển cái năng khiếu bẩm sinh của mình, và dựa vào cái bẩm sinh để
hóa (phát triển) những gì mình học được. Nhưng đó thường chỉ là cái hiểu
biết về một sự vật cụ thể, là một thứ tài vặt, một năng lực nhỏ. Họ không
thể nhận biết sức mạnh của nhất họa pháp và phát triển nó thật đầy đủ. Bởi
lẽ nhất họa pháp có trong mọi vật. Bức tranh tiếp nhận mực, mực nhận từ
bút, bút từ cổ tay họa sỹ, và cổ tay họa sỹ từ đầu óc dẫn đạo của mình. Quá
trình tiếp nhận ấy giống như quá trình sự sống được sáng tạo nên bởi trời và
hình thể được làm ra bởi đất vậy.
Điều quan trọng là người ta phải biết trọng cái bẩm sinh của mình, không
được sao lãng nó. Biết hoặc thấy một bức tranh trong đầu mà không hóa nó
thành ra thật là tự cùm trói mình vậy. Người bẩm sinh có tài vẽ phải biết
trọng cái năng khiếu của mình, gìn giữ nó, củng cố nó, đừng phung phí nó,
mà cũng đừng để mặc nó ngủ vùi trong tâm khảm. Kinh Dịch nói, “Thiên
hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức”, nghĩa là công việc của trời mạnh
mẽ không ngừng nghỉ thế nào thì người quân tử cũng phải tự đốc xúc
dưỡng thành sức mạnh của mình như thế.