5. Về bút và mực
Cổ nhân có người có bút (lực) mà không có mực (lực); có người có mực
(lực) mà không có bút (lực). Cái khác nhau không phải là ở khí chất bên
ngoài mà là ở cái tài bẩm sinh bên trong. Mực thẩm lên bút thế nào là do ở
linh hồn. Bút điều khiển mực ra sao là do ở thần trí. Không có dưỡng dục
và văn hóa thì mực thiếu linh hồn; không có sinh lực thì bút thiếu thần trí.
Người thụ được mực có dưỡng dục dồi dào nhưng không có thần trí mạnh
mẽ thì có mực lực mà thiếu bút lực. Người có thần trí mạnh mẽ nhưng
không hóa được cái phần hồn có giáo dưỡng của mình thì có bút lực, nhưng
không có mực lực. Sự sống trong thiên nhiên nằm trong những mảng mực
diễn đạt cái hình cụ thể của núi non, sông suối, sự vật, nhìn từ trước hoặc từ
sau, từ bên cạnh và từ cheo chéo, rải rác hoặc co cụm lại với nhau, xa hoặc
gần, ngoài hoặc trong, rỗng hoặc đặc, liên tục hoặc đứt gẫy; chúng có lớp
lang, phần khoảnh, và những phương diện lên xuống; chúng có cái vẻ
quyến rũ và những triển khai khôn lường. Cứ thế, thiên nhiên phô bày linh
hồn của nó cho con người và con người có sức mạnh chế ngự được sinh lực
và cái văn hóa của thiên nhiên vậy. Nếu không phải thế, thì làm sao bút và
mực có thể tạo nên cái hình phôi thai và cái cốt giá (cấu trúc xương) của
muôn vật, cái mở cái đóng của không gian, thân thể và chức phận, hình và
dáng, và vẽ nên được cái đang khom mình theo nghi lễ, đang ngay mình
thẳng tắp, đang phủ phục và nhảy vọt và ẩn nấp và bay bổng, và tất cả
những cái hiểm trở, mênh mang, sừng sững, tất cả những cái khiến ta phải
hãi hùng, khiếp sợ và kinh ngạc – đấy, nếu không phải thế thì làm sao linh
hồn và thần trí của muôn vật lại có thể được thể hiện rõ ràng đến như vậy
trên mặt giấy?