ra mối sầu vẫn vơ, man mác và đoái nghĩ tới cảnh náo nhiệt phiền phức ở
Hà Thành.
Nhưng tuổi thanh niên dễ buồn mà cũng dễ vui. Lúc ấy lên đồi, đường đi
khấp khểnh, đá sỏi thì trơn, lại thêm trời nhá nhem sắp tối, nên Ngọc trượt
chân suýt ngã, văng cái va li xuống sườn đồi. Chú tiểu vội kêu:
- Chết chửa! Ông có can gì không?
- Không.
Ngọc toan trèo xuống dốc nhặt va li thì chú tiểu đã vội đặt thúng sắn, thoăn
thoắt chạy xách lên.
- Cảm ơn chú.
Hai người cười ồ. Chú tiểu nói:
- Ông nên cẩn thận, gần đến chùa rồi có cái giếng cạn ở bên đường khéo
mà ngã xuống đấy thì khốn. Để tôi đi trước dẫn đường cho.
- Cảm ơn chú. À quên, tôi chưa hỏi tên chú gì?
- Tôi là Lan.
Rồi chú trỏ tay bảo Ngọc:
- Tam quan đây rồi.
Tam quan chùa Long Giáng cũng như nhiều tam quan các chùa vùng Bắc,
cách kiến trúc rất sơ sài. Trông như cái quán, có ba gian hẹp, trên nóc làm
dô lên một cái mái nhỏ giống hệt cái miếu con. Vả tam quan không có cánh
cửa mà hình như chỉ một cảnh để bài trí cho đẹp mắt chứ không dùng để ra
vào. Vì thế tam quan xây ngay trên sườn đồi đứng thẳng như bức tường
không ai leo lên được. Còn ra vào đã có cái cổng con.
Chú tiểu Lan đưa Ngọc đi qua một cái vườn sắn, rồi vòng quanh một bức
tường hoa. Một người điền tốt, cởi trần, quần nâu ống xoắn lên qua gối ở
trong bếp chạy ra. Anh ta chưa kịp trông thấy Ngọc, vội vã gắt với chú tiểu:
- Kìa chú Lan, cụ vừa quở chú đấy.
- Cụ đâu?
- Cụ đương làm lễ ở trên chùa. Sao hôm nay chú về muộn thế?
Chú tiểu vừa nói vừa trỏ Ngọc đứng cách đấy mấy bước:
- Tôi gặp ông Ngọc là cháu cụ đến vãn cảnh chùa nên đi hơi chậm, chú bảo
chú Mộc lấy gạo tám thổi cơm nhé, để ông Ngọc xơi cơm.