Một dạng câu hỏi khác mà tôi thường được hỏi là: “Sử dụng sóng
Elliott như thế nào để dự báo đúng hướng đi của thị trường?”. Thuyết Hỗn
Mang là sự lý giải tuyệt vời cho thấy những dạng câu hỏi này không phải là
hướng tiếp cận đúng đắn. Hành vi của các hệ thống động lực như thị trường
tài chính là nhạy cảm với những điển kiện ban đầu, thường được nhắc đến
như “Hiệu Ứng Cánh Bướm” được phát hiện bởi Edward Lorenz, một nhà
nghiên cứu tiên phong về lý thuyết hỗn mang. Một thay đổi nhỏ trong điều
kiện ban đầu sẽ làm thay đổi cả một chuỗi sự kiện ở quy mô lớn. Lorenz đặt
tên bài báo giới thiệu hiệu ứng cánh bướm là: “Tính dự đoán: Liệu con
bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra cơn lốc ở Texas?”. Nếu một cái đập
cánh của con bướm có thể gây ra cơn lốc, thì một cái đập cánh khác cũng có
thể dập tắt nó. Và bên cạnh cái đập cánh của con bướm thì còn vô số các
yếu tố khác có động năng đáng kể hơn ảnh hưởng đến thời tiết.
Tương tự, một thông tin mới khi được đưa vào thị trường tài chính sẽ
khiến giá thay đổi mạnh mẽ. Một thông tin xấu về thị trường nhà đất ở
Trung Quốc có thể ảnh hưởng xấu đến cả thị trường New York, Đức hay
Luân Đôn và tạo nên làn sóng bán tháo cổ phiếu khắp toàn cầu. Nhưng một
thông tin tích cực ở về diễn biến dầu mỏ ở Trung Đông (chẳng hạn như
động thái cắt giảm nguồn cung để hỗ trợ giá) có thể tạo nên làn sóng tâm lý
lạc quan trên thị trường chứng khoán toàn cầu và giá tăng trở lại. Luôn có
nhiều yếu tố đối nghịch nhau khiến chúng ta không thể dự đoán được sự
thay đổi giá cả trong tương lai. Nói cách khác, không ai có thể dự đoán giá
có sẽ phản ứng như thế nào trước thông tin mới.
Nếu bạn ảo tưởng có thể dự đoán được tương lai, đó là một sai lầm
lớn. Hành động đúng đắn nhất là bạn phản ứng theo những diễn biến của
hành động giá (là những thông tin đang tác động đến hiện tại). Trong lý
thuyết hỗn mang, Bill William đề nghị theo dõi xu hướng và phản ứng với
cấu trúc giá dựa trên năm chiều: Fractal (phân dạng); Momentum (đà tăng
trưởng), Acceleration/Deceleration (gia tốc/giảm tốc), Zone (vùng mà đà
tăng trưởng và gia tốc/giảm tốc cùng hướng với nhau) và Balance Line
(đường Cân Bằng).