Tội nghiệp cho Tiên Sa của Hoài. Gánh nặng gia đình đè lên đôi vai gầy
của cô học sinh trường Phan Thanh Giản. Nắng nóng Châu Bình sẽ làm
nám đi làn da mặt mịn màng của Tiên-Sa-của-Hoài. Nước phù sa sông Ba
Lai sẽ phủ dần lên trang sách vạn vật. lý hóa, xóa nhòa đi ước mơ bình
thường và giản dị của một cô gái hiền lành. Những cọng cỏ tranh sẽ cắt đứt
bàn tay mềm ấm, làm chai cứng những ngón tay thon mềm. Hết rồi ước
vọng được làm cô giáo.
- Hoài ơi... Lật bật mà Tiên Sa về Châu Bình cũng gần hai tháng. Tình hình
ở đây cũng đổi khác không còn giống như ngày xưa, của mùa hè năm trước
nữa. Người ta đào hầm trú ẩn, hố cá nhân để tránh bom đạn, để núp bắn
máy bay. Họ cắm chông tre, gài lựu đạn, đặt mìn khắp nơi. Khu rừng mù u
yêu dấu của Hoài đã được người ta dùng làm nơi trú ẩn của bộ đội. Mỗi khi
ra vườn đi ngang đó Tiên Sa ứa nước mắt. Nhặt hoa mù u mà lòng ngậm
ngùi. Hương mù u tuyệt vời của Hoài giờ thoang thoảng mùi thuốc súng
Hoài ơi. Xác hoa mù trắng mà Hoài hay nhặt để cài lên tóc Tiên Sa bây giờ
lẩn lộn với vỏ đạn đồng Hoài ơi. Hôm qua họ mời Tiên Sa ra chợ Châu
Bình để ủng hộ và hoan hô bộ đội đã giải phóng nhân dân ra khỏi ách độc
tài Mỹ Ngụy. Họ gọi những người như Hoài là Ngụy. Họ hô hào những
khẩu hiệu sắt máu, đòi tiêu diệt hết những người như Hoài. Tiên Sa không
biết gì về chính trị, cách mạng, giải phóng, nhưng Tiên Sa biết rõ một điều
là Tiên Sa không thể nào cầm lấy khẩu súng để giết người. Lạy trời phật
xin đừng để cho Tiên Sa làm chuyện đó. Làm sao Tiên Sa có thể cầm súng
giết Hoài, người mà Tiên Sa yêu thương. Làm sao Tiên Sa có thể bắn vào
những kẻ hiền lành như Hương, Hạnh,. tử tế như anh Khang, anh Thường,
vui vẻ như Thùy Dương.
Sau khi Tiên Sa bỏ học về Châu Bình thời Hương và Hạnh có xuống thăm.
Hai đứa ở chơi một đêm. Nhờ vậy Tiên Sa mới viết thư này đưa cho Hương
rồi nhờ nó đưa cho anh Khang và ảnh trao lại cho Hoài. Tiên Sa cũng mừng
khi biết anh Khang và Hương sắp làm đám hỏi. Mừng cho bạn mà buồn
cho mình. Nhưng thôi mỗi người có số phận của mình phải không Hoài.