ngày quan gia sẽ lấy đầu ta. Cũng một lời nói như nhau, với người này ta chỉ được lòng, còn với người kia ta phải mất đầu. Thế là cái quái
gì? Đời sao éo le quá đỗi! Nhưng ta tiếc cái đầu để làm gì, một khi cái đầu đó đã hèn nhát không dám nói ra sự thật hiển nhiên. Dẫu có còn
sống thì ta cũng tự khinh bỉ mình, vì chính lương tâm ta sẽ giết chết ta thôi. Bởi không gì tồi tệ xấu xa hơn là những kẻ còn sống sờ sờ
nhưng lương tâm đã chết. Thượng hoàng cần lời nói thẳng, là cốt để biết mọi việc còn tính toan lo liệu cho trăm họ, chứ có phải lo tính
chuyện riêng tư đâu mà sợ". Nghĩ vậy, lão Dương mạnh dạn lên tiếng:
- Tâu thượng hoàng, con sợ những lời con nói sau đây sẽ không làm đẹp ý người. Nhưng nếu không nói được với người, thì con
cũng uất lên mà chết. Từ ngày đánh tan giặc Thát tới nay, kể đã dư mười năm. Song dân tình nhiều nơi vẫn còn nghèo xác lắm. Điều đó
cũng tức là trong chiến tranh, giặc tàn phá nặng nề, mà dân cũng phải đóng góp nuôi quân đến kiệt sức. Mới năm ngoái đây mất mùa,
một số vùng đã có người chết đói. Nhưng ở kinh sư, nhà vua mở hết cung này đến viện khác. Cung nào, viện nào cũng xây cất nguy nga,
thành lũy vòng trong vòng ngoài.
Còn các quan cũng lần lượt xây dinh, lập phủ. Thử hỏi các quan lớn quan bé, tước ấy, bổng ấy, lộc ấy bất quá chỉ đủ nuôi thân và
báo hiếu phụ mẫu, chứ lấy đâu ra tiền của để xây cất lâu đài? Một hai nhà xây là các nhà đua nhau. Nhà này một, nhà kia phải hai, ba,
năm, bẩy lần sang đẹp hơn. Con thiển nghĩ, các quan chẳng tự mình làm nổi lấy một viên gạch. Nhưng lại xây cất, chi tiêu như nước. Vậy
tiền ấy lấy ở đâu ra? Ai cũng bảo, các quan móc của kho nhà nước với móc túi dân. Thượng hoàng cứ phải tốn công sức đi vi hành ở đâu
đâu để xem xét lòng dân. Sao thượng hoàng không lưu tâm ở ngay kinh sư này. Con thấy lòng dân náo động lắm. Mà các quan thì đã bắt
đầu một cuộc sống xa xỉ. Ra đường thì võng lọng nghênh ngang, kiệu xe cờ xí, quân lính tiền hô hậu ủng, ngay đến đức vua cũng chưa có
làm thế bao giờ. Mới năm ngoái đây trước lúc lâm chung, đức Quốc công tiết chế còn dặn lại quan gia: "Phải khoan thư sức dân để làm kế
sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách để giữ nước". Nhưng cũng mới gần đây con về quê, thấy dân tình xơ xác. Hỏi ra mọi người đều nói bọn
xã quan nhũng nhiễu quá. Tô thuế chúng thu cao quá. Đến lúc hỏi bọn xã quan thì chúng lại nói, mức thuế hàng năm đều tăng, nếu
không bổ vào đầu dân thì lấy đâu ra nộp cho quan trên. Nếu hỏi lên một vài cấp quan quận, quan châu chẳng hạn, hẳn họ phải nói là do
chính sách của triều đình. Vậy có đúng là triều đình đã cố kết lòng dân như thế chăng? Muôn tâu thượng hoàng, đã trải qua hai lần đánh
giặc Thát, sinh tử không nề, nhưng tới bây giờ thì con nản quá. Nhiều điều bất như ý quá. Tâu thượng hoàng, giặc Thát là chuyện ở xa,
chứ giặc quan nha là chuyện… Nói đến đây, lão Dương ngừng lời đột ngột. Mồ hôi hột toát ra, chảy ròng ròng hai bên thái dương. Mặt
lão đỏ tía rồi tái dần đi. Không biết là lão sợ vì chợt thấy quá lời, hay bởi lão trút được nỗi hờn giận bấy lâu chất chứa.
- Ôi lão Dương, ta biết nói như thế nào về tấm lòng kiên trung của lão, vẫn vằng vặc như trăng sao tỏa sáng. Đến bây giờ ta mới
thấm thía lời dạy của đức Quốc công tiết chế rằng: "Giang san là của chung, từ vua quan đến thứ dân, ai ai cũng có quyền yêu mến và có
bổn phận gìn giữ như nhau". Ta sẽ lưu tâm quan gia về tất cả những điều lão nói. Vả lại, ta cũng đang có kế sách cùng với muôn dân, bồi
đắp cho quốc gia Đại Việt của ta hùng cường.