- Tóc đàn bà giống mì sợi, tóc đàn ông ngắn quá, không giống tóc,
giống râu hơn.
Dân chúng tưởng tượng Lý Trọc coi tóc đàn bà là mì sợi ăn được,
người nào người nấy cười hô hố. Nhà văn Lưu thầm nghĩ, bọn dân đen thật
là ngu xuẩn. Anh ta cất tiếng oang oang sửa lại lời nói của dân chúng. Anh
ta bảo, Lý Trọc có chết đói cũng không ăn tóc. Anh ta phải đi cạo cho mình
một cái đầu trọc. Nhà văn Lưu bảo Lý Trọc đã đói thành một nhân vật dưới
ngòi bút của ngài Lỗ Tấn, ngay lúc đó anh ta không nhớ ra nhân vật. Anh ta
nói tay Lý Trọc có tiền không đi xơi một bữa cho no bụng, lại còn nghĩ đến
cái đầu trọc của mình. Không kìm nổi, nhà văn Lưu đã nói tục:
- Mẹ kiếp, tên Lý Trọc, đúng là một cái đầu trọc lông lốc chết cũng
không hối cải.
Đúng như nhà văn Lưu đã nói, sau khi ra khỏi hiệu cắt tóc, Lý Trọc đã
có lại cái đầu trọc truyền thống. Trưa hôm sau, dân chúng thị trấn Lưu
chúng tôi nhìn thấy Lý Trọc trở lại với cái đầu bóng loáng đi trên đường
phố lớn. Đầu Lý Trọc đã bóng loáng, khuôn mặt sưng tím cũng trở nên
hồng hào, như vừa ăn một bát thịt một con cá. Lý Trọc bụng đói meo, tuy
điệu bộ ra vẻ thương binh, vẫn chào hỏi người quen bằng giọng nói sang
sảng. Anh ta xoa cái bụng đói, nấc lên mấy tiếng, đi men theo đường phố,
như vừa ăn một bữa cỗ linh đình. Dân chúng trên phố hỏi Lý Trọc:
- Sao nấc liên tục thế? Ăn sơn hào hải vị gì vậy?
- Chẳng có cái đếch gì mà ăn - Lý Trọc xoa cái bụng rỗng không nói -
Toàn nấc ra không khí.
Lý Trọc đi thẳng đến Xưởng phúc lợi. Đã hơn bảy tháng nay anh ta
không đến xưởng. Vừa bước vào sân, đã nghe thấy hai Thọt xưởng trưởng,
xưởng phó buột mồm chửi nhau trong phòng làm việc, biết ngay họ vừa
chơi cờ, vừa hoãn cờ. Bước đến cửa văn phòng xưởng trưởng, Lý Trọc nấc