mượn vụ này để thực hiện những mục tiêu chánh trị, phe chánh quyền thì
cần duy trì tình trạng đang có, còn phe dân chúng thì muốn thay đổi. Cuộc
giằng co chưa ngã ngũ thì bùng nổ ra những ngày lịch sử tháng 10 và cuộc
chiến 1914.
Những cuộc di cư tập thể
Trong tình cảnh sống dở chết dở, tại khắp các nước Âu-châu, tánh
mạng và tài sản không còn được mảy may bảo đảm, đám người Do-Thái
chỉ còn một lối thoát duy nhứt là di cư đi kiếm những xứ khoan dung hơn.
Do đó mà từ 1881 tới 1914, ba triệu người Do-Thái đã từ bỏ Nga, Lỗ-ma-ni
và Galicie. Một số qua Anh và Canada, một số khác đi Nam Phi và
Argentine. Đại đa số đã di cư qua Huê-kỳ. Từ 1900 đến 1914, con số người
Do-Thái vào nước Mỹ, kiểm kê được là 1.200.000. Một tổ chức Do-Thái,
mang tên là Am Olam được thành lập, quy tụ tất cả những người Do-Thái
tại Mỹ. Về phía chánh quyền Huê-Kỳ, thì tinh thần nhân đạo vào đầu thế
kỷ 20 đang còn bồng bột. Do đó, một Hiệp hội cứu trợ người Do-Thái đã
được giới có thẩm quyền cho thành lập tại New York. Số Do-Thái di cư vào
Mỹ càng lúc càng nhiều, và hầu hết đều chỉ muốn cư trú tại ngay New
York. Họ tạo ra một khu vực gọi là Tỉnh dưới (Down Town) và nghiễm
nhiên biến thành một thứ Ghetto đặc biệt. Họ nói tiếng Do-Thái riêng biệt
của họ, là tiếng Yiddish nhưng cũng dần dần tập lề lối sống theo người Mỹ.
Một số đông làm phu khuân vác tại bến tàu, và làm thợ tại các nhà máy dệt
quần áo và sản xuất thuốc lá.
Nhờ có đám nhân công đắc lực và làm việc với bất cứ số lương nào,
mà các chủ xí nghiệp tại Mỹ liền hạ lương đồng đều các công nhân xuống.
Công việc của đám lao động Mỹ cũng cực khổ hơn, vì nếu muốn giữ được
nồi cơm thì có khi phải làm theo người khác cùng sở, nghĩa là làm việc mỗi
ngày từ 12 tới 15 tiếng đồng hồ.