Nhưng mặc cho các lãnh tụ Ả-Rập thời đó phản đối, Nga sô vẫn đứng
ra vận động Liên Hiệp Quốc cho một sự chia đất tại Palestine, để cho người
Do-Thái lập quốc. Sau rốt Huê kỳ cũng phải thuận theo, và ngày 29-11-
1947, đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhóm họp để bỏ thăm chung quyết về
vấn đề Do-Thái – Ả-Rập. Quyết định cuối cùng của Liên Hiệp Quốc, sau
cuộc bỏ thăm, là việc chia vùng đất Palestine thành hai quốc gia biệt lập và
độc lập.
Tại Jérusalem, người Do-Thái theo dõi cuộc bỏ thăm của Liên Hiệp
Quốc từng phút, và khi biết kết quả, họ kéo nhau xuống đường nhẩy múa
như điên dại. Riêng có chánh phủ Anh là phản đối và tuyên bố không chấp
nhận quyết định trên của 33 nước tại Liên Hiệp Quốc (Cuộc bỏ thăm gồm
có 33 nước thuận, theo về phía Nga, 13 nước chống trong đó có 11 nước
Hồi-giáo, và 10 nước bỏ phiếu trắng, trong đó có Anh. Điều đáng chú ý là
ngay Cuba thời đó, cũng như các nước Ả-Rập, đã bỏ thăm chống, vì chánh
quyền Cuba thời đó còn nằm trong tay ngoại bang).
Chiến tranh Ả-Rập – Do-Thái phát khởi
Quyết định của Liên Hiệp Quốc, mặc dầu cứu được quân đội Anh tại
Palestine ra khỏi một vũng lầy, nhưng nó cũng làm tiêu tan các ý đồ và hoài
bão thống trị vùng Trung Cận Đông của Anh. Ngày 14-5-1948, các đoàn
quân Anh xếp cờ cuốn gói để lên tàu về nước. Tướng Alan Cunningham, tư
lệnh tối cao của quân đội Anh tại Palestine, đã tuyên bố vắn tắt rằng : nước
Anh đã làm xong việc bảo vệ cho nhân dân Ả-Rập địa phương khỏi đám
người hiếu chiến khát máu và chỉ biết cướp phá, nay cuộc chiến đã kết thúc
không có kẻ thắng người bại, và Hoàng-gia Anh tự cho phép đưa quân đội
trở về mẫu quốc, nhưng nếu người Do-Thái tổng tấn công vào chánh phủ
Ả-Rập, thì quân đội Anh lại sẽ can thiệp ngay tức khắc một cách quyết liệt.
Như vậy là cuộc chiến Do-Thái – Anh quốc chấm dứt ngày 15-5-1948,
trên nguyên tắc. Một cuộc chiến tranh thứ hai mở màn.