Nhưng quả thật người Nga xếp hàng rất trật tự. Họ xếp hàng
một, kể cả vợ chồng đi cùng thì cũng người trước, người sau không
chiếm lối đi của người khác. Không riêng gì người Nga, mà người
châu Âu đều xếp hàng rất trật tự. Không riêng gì người châu Âu,
mà người châu Mỹ cũng xếp hàng như vậy. Không riêng gì người
châu Âu, châu Mỹ, mà người châu Úc và hầu hết người châu Á cũng
xếp hàng rất trật tự.
Người Việt Nam cũng xếp hàng rất trật tự khi chúng ta ở châu
Âu, châu Mỹ, châu Úc, hoặc ở các nước châu Á văn minh khác.
Còn khi người Việt Nam ở Việt Nam, chúng ta cứ phải chen nhau!
Có thể nói, chen lấn, xô đẩy, thậm chí đến mức trèo lên đầu nhau,
là một hiện tượng rất phổ biến, kể cả ở những nơi tâm linh như
đền, chùa.
Chen lấn, xô đẩy thể hiện văn hóa cướp giật.
Người ta cướp cái có thể đến tay người khác trước, sợ nó không
đến tay mình. Người ta cướp thời gian của người khác. Người ta cướp
cả sự thoải mái tinh thần và sức khỏe của người khác, kể cả của người
già, trẻ em.
Nhưng người ta không hề nghĩ thế. Đó là điều đáng sợ, khi
người ra làm những việc xấu xa, mang tính cướp giật, mà không hề
nghĩ như thế là xấu xa. Khi không nghĩ thì người ta không sửa.
Thậm chí người ta còn hả hê với kết quả của cuộc chen lấn, xô đẩy,
bất chấp tính công bằng mà việc xếp hàng lấy làm mục đích của
nó.
Người ta hay phàn nàn về những thứ mà người ta coi là “bất
công bằng” trong cuộc sống và công việc. Nhưng thường một người
chỉ nhìn thấy sự bất công bằng khi mình là nạn nhân, ít khi thấy
sự bất công bằng khi mình được lợi.