Lúc này, nhân viên ở bên ngoài phát hiện ra tiếng hét, vội bước vào.
Đó là một ông chú mặc áo choàng Ả Rập màu xám, chỉ vào bức tranh đám
đông trên tường, sau đó đặt ngón trỏ trước môi, làm dấu hiệu giữ im lặng
với Diệp Giai Nam. Cho tới bây giờ, người Ai Cập vẫn còn tin tưởng vào
truyền thuyết kia, cấm nói to trong lăng mộ quấy rầy đến Pha-ra-ông đang
ngủ say, hơn nữa còn không để làm ảnh hưởng đến du khách khác.
Diệp Giai Nam vô cùng xấu hổ, cầm lấy khăn che mặt, vội vàng khua
chân múa tay làm ra dấu hiệu xin lỗi. Sau đó nhân viên liếc Diệp Giai Nam,
cầm lấy đèn pin trong tay chiếu qua các bức tranh trên tường một lần, thấp
giọng hỏi cô có muốn giới thiệu hay không. Diệp Giai Nam hiểu rõ giới
thiệu ở trong lăng mộ là vi phạm quy định, nhân viên chỉ là muốn kiếm
chút lợi nhuận từ cô, vì thế hất tay xin miễn. Nhân viên không vui đi ra, chỉ
còn lại Diệp Giai Nam và người đàn ông kia.
Sau đó, bọn họ đứng trong mộ, yên lặng nhìn những câu chuyện trong
bức tranh trên tường. Một lát sau có thêm một đám du khách tới, khu mộ
đột nhiên trở nên chật hẹp. Đợi Diệp Giai Nam quay đầu lại đã không còn
thấy bóng dáng người đàn ông kia. Diệp Giai Nam tiếp tục đi đến những
khu mộ khác, thỉnh thoảng tìm kiếm trong đám du khách, nhưng vẫn không
gặp lại người kia.
Buổi chiều cô quay về khách sạn dọn đồ, dự tính hôm sau sẽ theo lịch
trình từ Luxor bay đến London quá cảnh rồi về Mỹ. Ngày hôm đó bên
trong lăng mộ nổi tiếng toàn thế giới cũng là lần đầu tiên Diệp Giai Nam
gặp gỡ Hành Sùng Ninh. Hành Sùng Ninh cũng vừa mới qua tuổi ba mươi,
gần như cả tháng trời đều lăn lộn tại sa mạc Bắc Phi để tìm kiếm linh cảm
cho công việc. Sau đó, anh thậm chí còn chả nhớ được lần gặp nhau này
cho đến một năm sau đó khi hai người gặp lại.