KHI NÀO NÊN CƯỚP NHÀ BĂNG?
(SJD).
Gần đây, tôi có đọc bài báo về một người đàn ông cướp sáu nhà băng ở
New Jersey nhưng anh ta chỉ đi cướp vào ngày thứ Năm. “Không có lý do
nào được đưa ra cho lựa chọn ngày cụ thể này,” bài báo lưu ý. Có lẽ anh ta
biết điều gì đó về cách thức kinh doanh của các nhà băng; có lẽ ông thầy
chiêm tinh xem cho anh ta đã bảo anh ta rằng thứ Năm là ngày may mắn;
hoặc có lẽ ngày đó đơn giản là phù hợp với lịch hành động của anh ta.
Bất kể thế nào nó cũng gợi cho tôi nhớ đến một câu chuyện mà tôi đã
nghe trong chuyến đi gần đây tới Iowa, về một nhân viên nhà băng địa
phương tên là Bernice Geiger. Bà này bị bắt giữ vào năm 1961 vì biển thủ
hơn 2 triệu đô-la suốt nhiều năm trời. Tình cờ làm sao ngân hàng lại thuộc
sở hữu của cha bà. Bernice được cho là người rất hào phóng, bà đã quyên
tặng đáng kể số tiền lấy trộm được. Khi bà bị bắt giữ, nhà băng phá sản. Bà
bị bỏ tù, 5 năm sau được trả tự do và chuyển về sống với cha mẹ, những
người rõ là mẫu người bao dung.
Đến khi bị bắt, Geiger được cho là đã kiệt sức. Tại sao lại vậy? Bởi bà
chẳng bao giờ chịu nghỉ ngơi. Hóa ra đây là yếu tố chính trong vụ phạm tội
của bà. Chuyện là − tôi được nghe kể từ một viên cảnh sát đã nghỉ hưu ở
Sioux City, dù vậy tôi không thể xác nhận mức độ chính xác của câu
chuyện − lý do bà không bao giờ đi nghỉ là bởi bà giữ hai tập sổ sách và
không thể mạo hiểm để một nhân viên thế chỗ mình phát hiện ra chuyện
biển thủ.
Phần thú vị nhất, theo viên cảnh sát này, là sau khi ra tù, Geiger vào làm
cho một hãng giám sát nhà băng giúp ngăn chặn tình trạng biển thủ công
quỹ. Đóng góp lớn nhất của bà là tìm ra những nhân viên không chịu đi
nghỉ mát. Thước đo đơn giản này hóa ra lại có khả năng dự đoán mạnh mẽ
giúp ngăn chặn tình trạng biển thủ công quỹ. Giống như những giáo viên