Đúng hẹn, năm anh em cùng về. Người anh cả là bợm trộm không ai ăn
đứt, người thứ hai biết đóng tàu, người thứ ba có thuốc cải tử hoàn sinh,
người thứ tư có tài bắn nỏ và người thứ năm biết tiếng chim. Anh chàng út
tỏ tài bằng cách báo tin: anh vừa nghe một con chim đậu ở gần đó cho biết,
có một con yêu cướp một công chúa đưa đến núi đá, và vua cho rao ai cứu
được sẽ phong làm phò mã. Người thứ hai làm ngay một chiếc tàu, trên đó
năm người cùng đi với người cha đến núi đá. Cũng như truyện của Đức,
yêu tinh cũng đang ngủ say, đầu kê lên đùi công chúa. Người anh cả khiêng
một hòn đá cho con yêu kê đầu, rồi trộm công chúa về tàu. Yêu cũng hóa
thành mây đuổi theo, và cũng bị một phát tên rơi xuống tàu; công chúa chết
ngay cùng với yêu, nhưng được người thứ tư làm cho sống lại. Lúc về, ai
nấy đều tranh công. Vua giao cho người cha phân xử. Cuối cùng, vua gả
công chúa cho người cha của họ là người quan trọng trong việc cứu công
chúa.
Cũng như truyện của người Bê-lút-sít-xtăng đã kể trên kia, một truyện khác
của người Hy-lạp (Grèce), của người Xu-a-hi-li ở đảo Dăng-di-bar
(Zanzibar) đều có ba anh em và ba vật quý: ống thiên lý kính, tấm thảm bay
và thuốc cải tử hoàn sinh (Hy-lạp); gương thần, chiếu biết bay và lọ dầu hồi
sinh (Xu-a-hi-li). Những vật này đều có vị trí quan trọng trong việc cứu cô
gái. Kết cục của truyện Hi-lạp: để chấm dứt tranh chấp giữa ba hoàng tử,
vua cha lấy cô làm vợ. Còn kết cục của truyện người Xu-a-hi-li: khi ba anh
bảo cô gái chọn một trong ba người làm chồng, thì cô ta chọn người cha
của họ "để cho cả ba gọi mình là mẹ".
So với các truyện vừa kể, truyện của người Tây-ban-nha (Espana) lại có kết
cục lạ hơn: lấy cả ba.
Lần đầu tiên, khi người cha cô gái báo chọn một trong ba người con trai
đến hỏi, cô trả lời: "Lấy cả ba". Người cha chuyển câu trả lời ấy cho ba