5. Phí Vỹ, Trần Chấn làm sứ thần, chẳng bị sỉ nhục đến sứ mệnh
Ngoài Đặng Chi, về quan hệ qua lại giữa Thục với Ngô, còn có Phí Vỹ
người Giang Hạ, Trần Chấn người Nam Dương cũng có những biểu hiện
nổi trội. Phí Vỹ tên chữ là Văn Vỹ, trong Tam quốc chí có chép: Gia Cát
Lượng lấy Phí Vỹ làm Chiêu tín hiệu uý đi sứ Đông Ngô, Tôn Quyền thấy
Phí Vỹ còn trẻ thường vẫn trêu đùa lại còn trào phúng Thục Hán, lại thêm
những đại thần như Gia Cát Khác (con trai Gia Cát Cẩn), Dương Cù có học
vấn rộng thường vẫn bày trò làm khó Phí Vỹ.
Chẳng ngờ Phí Vỹ trẻ tuổi lại giỏi văn chương, đối đáp đâu đấy chẳng dễ
khuất phục. Có một lần Tôn Quyền có ý dùng rượu hảo hạng, làm cho Phí
Vỹ say rượu, lại chất vấn việc đại sự quốc tế, mỗi vấn đề đều khá phức tạp.
Phí Vỹ mượn cớ say từ chối, hẹn hôm sau trả lời, chẳng ngờ sáng hôm sau
ông ta đã trả lời từng vấn đề rõ ràng đâu đấy, không sai lạc một chút gì.
Tôn Quyền rất xem trọng ông ta, có khen ngay trước mặt rằng: “Tiên sinh là
người hiền đức trong thiên hạ, sau này ắt sẽ là đại thần trụ cột của Thục
Hán, sợ sau này lại không thường đến thăm Đông Ngô của ta nữa”.
Ông là sứ thần chủ yếu liên hệ với Đông Ngô, trong thời kỳ bắc chinh
Trung Nguyên, Phí Vỹ làm tham quân vẫn thường phụng chỉ đi sứ, qua lại
giữa Thục và Ngô.
Tôn Quyền rất thích Phí Vỹ, lại đặc biệt cầm cây bảo đao vẫn mang bên
mình, muốn tặng cho Phí Vỹ. Phí Vỹ cảm tạ mà rằng: “Thần nay bất tài sao
có thể nhận sự ban thưởng này? Bảo đao vốn để thảo phạt kẻ làm phản,
ngăn cấm nghịch tặc, thần vẫn muốn đại vương nỗ lực tạo dựng sự nghiệp,
và chúng ta nhất định phục hưng được nhà Hán. Thần tuy ngu muội song
không thể đáp ứng được ý muốn của đại vương”.
Bùi Tùng Chi khi chú giải Tam quốc chí có chép: Có lần Phí Vỹ đi sứ Đông
Ngô,trong tiệc tiễn biệt, Tôn Quyền uống đã say, giữa tiệc có nói với Phí
Vỹ về Ngụy Diên và Dương Nghi.