Tiêu Thu Thủy từ bé đã lớn lên dưới sự chăm sóc bảo bọc kỹ lưỡng
như vậy.
Tiêu Thu thủy từ bé đã thông minh hơn người, đọc sách qua mắt là
không quên, giỏi thơ khéo vẽ, võ công học từ Tiêu Dịch Nhân chứ không
phải Tiêu Tây Lâu, nhưng không ngờ mới mười bảy tuổi đã tự thành đường
riêng.
Tiêu Tây Lâu trong lòng đương nhiên là rất yêu thích đứa con này,
nhưng ông cũng không hề thích cái tính ưa náo nhiệt, ưa lo chuyện bao
đồng, ưa ngao du lang bạt, ưa kết giao bằng hữu, dễ giận dễ mừng, làm
trước nói sau của Tiêu Thu Thủy.
Tiêu Tây Lâu cho rằng con cháu danh môn thế giá không nên như vậy,
hẳn là nên trang trọng một chút, cần kiệm một chút, giống như đại ca Tiêu
Dịch Nhân, nhị ca Tiêu Khai Nhạn vậy.
Thế nhưng Tiêu Thu Thủy vẫn là Tiêu Thu Thủy.
Tiêu Thu Thủy muốn tới đồi Ngọa Long ở Long Trung, nhưng lại từ
Trường Giang Tây Lăng hiệp ngược dòng đi lên, tới Tỷ Quy. Tỷ Quy là nơi
đại thi nhân Khuất Nguyên sinh ra, lúc đó lại đúng ngày 5 tháng 5, tiết Thi
Nhân của Trung Quốc(*).
Tiêu Thu Thủy cùng ba người bạn là các thanh niên yêu thích mạo
hiểm.
Trương Giang tam hiệp bao gồm Đường hiệp, Vu hiệp, Tây Lăng hiệp,
nằm ở thượng du Trường Giang, nằm giữa hai đất Tứ Xuyên, Hồ Bắc, tiếp
nối lẫn nhau, dàu bảy trăm dặm, là hiểm địa khi đi thuyền.
Tỷ Quy lưng dựa núi cao, mặt hướng Trường Giang, cảnh sắc tráng lệ.
Nơi đây là quê cũ của Khuất Nguyên, cho nên cứ đến ngày mồng 5 tháng 5
lại càng náo nhiệt, thuyền rồng chạy chật sông.