cả. Nhưng hễ có người nào ở quê lên Bắc Kinh là họ lại tìm đến Trương,
anh cũng rất nhiệt tình đón tiếp, dù sao thì một người ở nông thôn cũng
không dễ dàng sống ở Bắc Kinh được, có người để nhờ vả vẫn là tốt nhất.
Công việc của Trương ở Bắc Kinh khá thuận lợi, tuy không phải là đại gia
những cũng đủ ăn đủ mặc. Trương hợp tác với các nhà xuất bản để ra sách,
hai bên cùng phát huy các mối quan hệ của mình, các nhà xuất bản tận
dụng mối quan hệ quốc doanh còn Trương tận dụng các mối quan hệ dân
doanh của mình. Không phải tất cả sách của nhà xuất bản đều được bán hết,
bình thường vẫn có khoảng 10% bị trả lại. Mấy năm trở lại đây, số lượng
sách trả về của công ty Trương trị giá khoảng 200 nghìn tệ, tuy nhiên, chi
phí in sách cũng chỉ chiếm 10% giá thành mỗi cuốn sách thôi. Sách bị trả
lại thường được đưa đến những hiệu sách đại hạ giá, bán với giá bằng nửa
giá niêm yết. Nếu không kịp thời xử lí thì tiền bán sách cũng không đủ để
bù đắp tiền thuê kho và chi phí khác.
Năm đó, Trương xuất bản bộ sách 10 vạn câu hỏi vì sao, bị trả lại hơn 10
nghìn cuốn, mỗi cuốn giá 20 tệ. Anh dự định sẽ đưa một phần đến các hiệu
sách giảm giá, phần còn lại sẽ mang đến xưởng in để tái chế. Đúng lúc đó,
một người bạn cũ của anh là Lí, hiện đang làm Phó Cục trưởng cục văn hóa
ở quê lên Bắc Kinh công tác, khi đến thăm công ty của Trương và nghe nói
đến chuyện này, Lí cảm thấy rất có hứng thú. Lí là người có học vấn khá
cao, ngắm nghía bộ sách 10 vạn câu hỏi vì sao trong tay mình, thấy nội
dung sách rất hay, liền hỏi: “Sách hay thế này, lại còn mới nguyên, vậy mà
cậu lại mang tới xưởng in để tái chế, đúng là lãng phí.”
Trương nói với vẻ tiếc nuối: “Tình hình hiện nay là như thế đấy, thông
thường sau nửa năm hoặc một năm, các nhà sách sẽ trả sách tồn, mỗi năm
có nhiều sách mới như thế, họ làm gì có chỗ mà bày, nếu không phải là
sách hay thì có khi chỉ được bán trong vòng 3 tháng đến nửa năm thôi, sách
bị trả lại, tôi chỉ còn biết đưa đến tiệm sách giảm giá hoặc bỏ đi, nếu không
sẽ mất càng nhiều tiền thuê kho.”