Tăng Chi Bộ Kinh - Tập 3
15
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin,
tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: "Ðây là Thế Tôn, bậc
A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ,
Thế Gian Giải, Vô Thượng sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên
Nhân Sư, Phật, Thế Tôn". Như vậy, này các Tỷ-kheo, được
gọi là tín lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tấn lực?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống tinh
cần tinh tấn, từ bỏ các pháp bất thiện, thành tựu các thiện
pháp, nỗ lực kiên trì tinh tấn, không từ bỏ gánh nặng đối với
thiện pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là tấn lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là niệm lực?
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có chánh
niệm, thành tựu tối thắng niệm và tuệ. Vị ấy nhớ và gợi lại
trong trí nhớ những điều đã nói và đã làm lâu ngày về trước.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là niệm lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định lực?
6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử ly các dục,
ly các bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất,
một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Làm cho
tịnh chỉ tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một
trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh
nhất tâm. Ly hỷ, trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm lạc
thọ, được các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và
an trú Thiền thứ ba. Ðoạn lạc đoạn khổ, chấm dứt hỷ ưu đã
cảm thọ từ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không
khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Như vậy, này các Tỷ-
kheo, được gọi là định lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ lực?