Bậc Ðại đệ tử này, trong khi đi khất thực đi đến Vương Xá, vua Bimbisàra
(Bình-sa) nghe ngài đến, liền đến kính chào và xin dựng một chỗ ở cho ngài,
nhưng rồi vua quên, ngài không nhận được chỗ ở, nên hành thiền ngoài trời.
Vì thái độ nghiêm túc của ngài, trời không mưa và do vậy nạn hạn hán đe
dọa dân chúng, quần chúng tụ họp than phiền ồn ào trước hoàng cung. Vua
tìm hiểu nguyên nhân vì sao trời không mưa và nghĩ rằng có lẽ vì ngài
Subhùti hành thiền ngoài trời. Vua cho làm các am thất bằng lá cho ngài, và
khi ngài vào ngồi thiền trong am thất ấy, trời bắt đầu mưa từng hột một chớ
không mưa ào ào. Ngài muốn quần chúng khỏi sợ hạn hán, tuyên bố rằng,
không có sự sợ hãi gì đe dọa ngài, từ phía ngoài hay từ phía trong, với
những bài kệ như sau:
1. Am thất ta khéo lợp,
An lạc, ngăn chận gió,
Thần mưa, hãy mưa đi,
Mưa như ý Ngươi muốn!
Tâm ta khéo định tĩnh,
Giải thoát, sống tinh cần,
Thần mưa, hãy mưa đi!
Thần mưa, hãy mưa đi!
(II) Mahàkotthita (Thera. 1)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình
Bà-la-môn rất giàu có và được đặt tên là Kotthita (Câu-hy-la). Khi đến tuổi
trưởng thành, ngài học ba tập Veda và thành tựu các đức tánh của vị Bà-la-
môn, ngài nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, khởi lòng tin và xuất gia. Thực
hiện thiền quán từ khi mới xuất gia, ngài chứng quả A-la-hán, với hiểu biết
về nghĩa và về pháp, ngài thường hỏi bậc Ðạo Sư và các vị Ðại Trưởng lão
về hai vấn đề ấy và trở thành rất lão luyện thuần thục. Rồi bậc Ðạo Sư, sau
khi xác nhận các quả chứng ngài đã được trong kinh Vedalla, xác nhận ngài
là bậc thiền quán đệ nhất.
Sau một thời gian, ý thức được sự an lạc giải thoát, ngài nói lên bài kệ này:
2. Tịch tịnh và chỉ tức,
Tụng đọc lời trí tuệ,
Tâm tư không tháo động,
Ác pháp được vứt bỏ,