86
Chương II: Tương Ưng Giác Chi
2) Ví như, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, là
tướng báo trước mặt trời sắp mọc, tức là rạng đông. Cũng
vậy, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, là tướng báo
trước bảy giác chi sanh khởi, tức là như lý tác ý. Tỷ-kheo
thành tựu như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng:
bảy giác chi sẽ được tu tập, bảy giác chi sẽ được làm cho
sung mãn.
3) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo như lý
tác ý, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi? Ở
đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi... tu tập
xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ
đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý, tu tập bảy giác chi, làm cho
sung mãn bảy giác chi.
14.IV. Bệnh (1) (S.v,79)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, rừng Trúc Lâm, tại
chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Mahà Kassapa trú ở hang
Pipphalì, bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh.
3) Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng
dậy, đi đến Tôn giả Mahà Kassapa; sau khi đến, ngồi xuống
trên chỗ đã soạn sẵn.
4) Ngồi xuống, Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà Kassapa
:
-- Này Kassapa, Ông có kham nhẫn được chăng? Ông
có chịu đựng được chăng? Có phải khổ thọ giảm thiểu,
không có tăng trưởng? Có phải có triệu chứng giảm thiểu,
không có tăng trưởng?