Tương truyền, Thích Ca Mâu Ni Phật - là hoàng tử con Vua Tịnh Phạn
ở miền Bắc Ấn Độ xưa (nay thuộc miền Nam Nepan), đã từ bỏ cuộc sống
quyền quý sa hoa trong Hoàng cung, xuất gia thành đạo vào đúng ngày
mùng 8 tháng Chạp Âm lịch. Sau khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc,
khắp nơi xây dựng chùa triền và phong tục nấu cháo kính Phật đã thịnh
hành từ khi đó.
Phong tục ăn cháo vào ngày mùng 8 tháng Chạp đã có lịch sử hàng
ngàn năm ở Trung Quốc. Đây còn được coi là "Tiết lệnh" đầu tiên của Tết
truyền thống, có nghĩa là qua mùng 8 tháng Chạp không khí của Tết đã
đến. Sau một năm lao động vất vả, trong tiết trời lạnh giá của tháng Chạp,
mọi người nô nức đi chùa, ăn cháo được nấu từ nhiều loại hạt như kê, gạo
tẻ, gạo nếp, hạt dẻ, hạnh nhân, hạt dưa, lạc, hạt thông, nhân táo, nho khô...
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, ngày 8/12 Âm lịch tại chùa
Đàm Chá, ngôi chùa có lịch sử hơn 1700 năm, cách trung tâm Bắc Kinh
khoảng 30 km về phía Tây, người dân đã tụ họp từ rất sớm, xếp hàng để
được thưởng thức cháo miễn phí của nhà chùa. Trước khi phát cháo cho
khách, nhà chùa đã làm lễ tưởng nhớ đến ngày thành đạo của Đức Thế tổ
Thích Ca Mâu Ni. Trong ánh nắng chan hòa giữa cái giá lạnh của mùa
Đông, mọi người đến đây không chỉ để thưởng thức cháo, mà còn để tạ lễ
chư Phật một năm qua đã phù hộ cho bản thân và gia đình sức khỏe, bình
an và tài lộc.
Ngoài chùa Đàm Chá, các chùa lớn ở Bắc Kinh như Báo Quốc Tự,
Linh Ẩn Tự, Linh Quang Tự, .... hoặc những khu ẩm thực, các nhà hàng
lớn đều tổ chức phát cháo miễn phí, với ý nghĩa để người dân vừa có thể
hướng thiện, vừa là hoạt động khởi đầu của mùa Tết Nguyên đán.