định hướng và dẫn dắt toàn bộ quá trình hiện đại hóa của Hàn Quốc
vào những năm 1960 và 1970.
Trên mặt trận kinh tế, Park áp dụng chiến lược chủ nghĩa dân tộc
kinh tế với sự kết hợp của biện pháp bảo hộ nhập khẩu, chính sách
công nghiệp, và thúc đẩy xuất khẩu để chuyển đổi nền công nghiệp sơ
khai thành một cỗ máy tăng trưởng cạnh tranh toàn cầu. Để loại bỏ
những rào cản từ xã hội và huy động được những nguồn lực khan
hiếm cho con đường phát triển kinh tế dưới sự chỉ huy nhà nước, chiến
lược chính trị của ông tập trung vào nền dân chủ có định hướng và chủ
nghĩa tập đoàn nhà nước [state corporatism] mà ở đó cả xã hội dân sự
và xã hội chính trị đều được nhà nước sắp xếp lại, kiểm soát và điều
phối để đảm bảo mục tiêu hiệu quả, ổn định và an ninh chế độ. Chiến
lược hiện đại hóa xã hội của ông bổ trợ cho các chiến lược kinh tế và
chính trị bằng cách xác định người dân Hàn Quốc như là những mục
tiêu của cuộc cải cách tư tưởng và của công cuộc huy động nguồn lực
cho nhà nước. Xã hội dân sự đã được tổ chức lại và được điều động để
đảm bảo sự hòa hợp quốc gia và thịnh vượng kinh tế bên cạnh những
tư tưởng về trật tự, kỷ luật và chủ nghĩa tập thể của quân đội. Ba chiến
lược về chủ nghĩa dân tộc kinh tế, dân chủ có định hướng và huy động
xã hội nghiệp đoàn đã làm cho công cuộc hiện đại hóa của Park trở
thành một ví dụ cổ điển nhưng nổi bật về “cách mạng từ bên trên”,
khai thác được yếu tố mà Alexander Gerschenkron đã có lần gọi là
“lợi thế của việc phát triển muộn” để vượt qua các nước phát triển ở
thị trường quốc tế và bắt kịp tiến độ hiện đại hóa.
Rõ ràng là các chiến lược hiện đại hóa ba nội dung của Park chỉ là
những động thái phản ứng để giải quyết tình trạng kém phát triển của
Hàn Quốc. Sự lựa chọn mục tiêu và chiến lược của ông cũng bị giới
hạn bởi các lợi ích xã hội thống trị đang làm nền móng cho các động
lực của liên minh và các cấu trúc quyền lực nhà nước-xã hội. Một mặt,
Park cũng như Lý Thừa Vãn và Chang Myon trước đó, phải đối mặt
với bối cảnh đất nước đang khắc khoải mong chờ một lãnh tụ có thể