Một bằng chứng khác về việc “thiết chế tốt” không đủ để tạo ra tăng
trưởng là thực tế các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á trong nửa đầu thế
kỷ XX – mặc dù thực tế là có nhiều thiết chế hiện đại đã được áp dụng
trong thời thực dân (chính thức hoặc không chính thức) – vẫn nằm trong
tình trạng gần như trì trệ. Theo tính toán của Maddison 1989, tốc độ tăng
trưởng GDP trên đầu người của 9 nước đang phát triển lớn nhất ở châu Á
(Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Philippines, Hàn
Quốc, Đài Loan và Thái Lan) trong thời kì 1900-1950 chỉ là 0%/năm.
Trong giai đoạn này, Đài Loan và Philippines tăng trưởng 0,4%/năm, Hàn
Quốc và Thái Lan là 0,1%/năm, Trung Quốc: -0,3%/năm, các nước Nam Á
và Indonesia: -0,1%. Nhưng, sau thời thuộc địa, các nước này có thể có tốc
độ tăng trưởng nhanh hơn. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người
trong giai đoạn 1950-1987 của những nước này là 3,1%/năm. Một phần là
do chất lượng các thiết chế đã được cải thiện đáng kể, nhưng sự thay đổi
quan trọng hơn là họ có khả năng theo đuổi những chính sách “đúng đắn”,
đó là chính sách can thiệp ITT. Xem những phân tích chi tiết về điểm này
trong Amsden 2001.