Chương 62. Năm mối tương đồng
Một buổi sáng nắng đẹp năm 2006, sau khi tôi kết thúc bài diễn thuyết tại
Đại học Colorado, Sarah McCune và Joseph Paha đã đến đón tôi tại khách
sạn Boulder nơi tôi nghỉ. Là những sinh viên trường Đại học Denver, họ đã
cất công tổ chức cho tôi một buổi nói chuyện tại trường của họ. Sarah là
sinh viên ngành khoa học chính trị và nghiên cứu quốc tế. Cô từng đặt chân
tới Mỹ Latinh, châu Phi và Nam Á. Còn Joseph thì chuyên sâu về nghiên
cứu quốc tế, tiếng Tây Ban Nha và mỹ thuật. Cậu đã sống tại Argentina 6
tháng và tại đây cậu đã theo học tại Đại học Cuyo ở Mendoza.
Tôi lái xe Joseph ngồi cạnh tôi. Sarah ngồi đằng sau cậu. Với quang cảnh
của dãy núi Rockies, tôi hy vọng có thể tìm được sự thoải mái trong chuyến
đi tới Denver. Còn đối với họ, tâm trí họ tập trung hết vào việc dồn dập hỏi
tôi những câu hỏi về quãng thời gian khi tôi còn là một sát thủ kinh tế và
thái độ hiện giờ của tôi đối với những gì đã làm trong quá khứ. Sau đó tôi
hỏi họ cảm thấy thế nào về cái thế giới mà thế hệ tôi trao lại cho họ.
“E dè,” Sarah đáp: “Lo sợ. Đây thực sự là thời khắc nhạy cảm với chúng
cháu. Những người ở tuổi bác nói rằng những người đã ở vào độ tuổi đôi
mươi như chúng cháu sẽ phải quyết định sẽ làm gì đối với toàn bộ phần đời
còn lại của mình. Những từ ngữ như vậy khiến chúng cháu thực sự sợ hãi.
Chúng cháu tự hỏi rồi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đây”.
“Không phải là chúng cháu không muốn chịu trách nhiệm với cuộc sống
của chính mình hay không muốn trưởng thành hơn,” Joseph thêm vào,
“Chúng cháu chỉ không muốn bước vào cuộc đấu tranh khốc liệt để rồi mất
40 năm tiếp theo leo lên nấc thang danh vọng của một công ty nào đó, thay
đổi nghề nghiệp để rồi kết thúc bằng sự khủng hoảng ở tuổi trung niên”.
Chiều muộn ngày hôm đó, chúng tôi đã lái xe tới một khách sạn tại Denver.
Tại đây chúng tôi gặp gỡ những sinh viên khác và giáo sư Robert Prince,
giảng viên chính ở Đại học Denver, người từng là một tình nguyện viên
trong Tổ chức Hòa bình Mỹ trong những năm 1960 giống như tôi. Đối với