xác xuống vực nhưng Ban chấp hành tù nhân đã ngăn kịp thời tư tưởng
manh động ấy.
Đầu tháng 11-1948, Ban chấp hành tù nhân khu Sở Củi phát động một
đợt đấu tranh đòi hạ mức củi. Đại diện tù nhân đưa yêu sách cho chủ sở,
trong lúc đó anh em tự động lãn công bằng cách làm ít củi, lấy củi không
đủ quy cách, xuống núi trễ giờ với lý do là mức củi cao, đường xa, củi tốt
ngày càng hiếm. Ban chấp hành phát động tinh thần xung phong, khuyến
khích cá nhân dám chịu phạt, chịu đòn mà chưa bãi công đồng loạt để tránh
địch khủng bố truy tìm tổ chức trong buổi đầu mới thành lập.
Trần Văn Tôn, một người tù tư pháp án 8 năm khổ sai (số tù C.11631) đã
đi đầu trong cuộc lãn công đòi hạ mức củi. Không ngày nào anh chịu nộp
đủ và cùng chịu đòn với anh em mỗi chiều trên sân củi. Ngày 7-11-1948,
Mười Tôn lên núi từ sáng đến sẩm tối mới xuống, trên vai chỉ có một bó
củi nhỏ. Bênarét đánh anh chết ngay tại sân củi. Cái chết đau thương của
Mười Tôn đã châm ngòi, làm bùng lên lửa căm thù nung nấu trong lòng tù
nhân bấy lâu nay.
Ngay tối ấy, Sở Củi báo tin cho toàn thể tù nhân Côn Đảo biết. Ban chấp
hành lâm thời Liên đoàn tù nhân Côn Đảo quyết định phát động một cuộc
đấu tranh bằng hình thức đình công, tuyệt thực toàn đảo, để tang Mười Tôn,
phản đối hành động giết người của bọn gác ngục Pháp. Hai ngày sau, các
sở tù khổ sai đồng loạt đình công, không đi làm và bỏ ăn một ngày. Tù áo
trắng cũng vào khám. Chiều hôm trước, anh em đã dán nhiều truyền đơn
vào gốc cây trên các con đường quanh công sở để phản đối vụ giết Mười
Tôn và tố cáo những tội ác của bọn giám thị nhà tù.
Lần đầu tiên toàn thể tù nhân Côn Đảo đã đồng tâm nhất trí đấu tranh,
không phân biệt là tù kháng chiến hay tư pháp, là tù áo xanh (khổ sai) hay
áo trắng (thư ký, bồi bếp). Họ biểu thị nỗi đau thương và lòng căm thù bằng
một sự im lặng sắt đá.
Ngày hôm ấy toàn bộ các sinh hoạt trên đảo đều ngừng trệ. Lá bàng rụng
đầy đường, nhà cầu của giám thị, công chức ngập phân không người quét
dọn. Giám thị, binh lính, công chức, sĩ quan Pháp đều phải ăn đồ hộp hoặc