thuật, tập chiến thuật tay không bắt địch, tập vượt rào, vượt tường dưới các
hình thức thể dục, thể thao như kéo co, đánh vật, nhảy cao, nhảy xa, chồng
người vượt xà, tập trói lính, tập ném hỏa mù sao cho trúng mắt đối phương.
Các chiến sĩ trong đội xung kích đều tự trang bị dây trói chắc chắn thay cho
giải rút quần. Chiến thuật chủ đạo là tay không bắt địch, tuyệt đối tránh đổ
máu.
Tù nhân sở Bản Chế rèn được trên trăm mũi mác xung kích trang bị cho
bộ phận ở Đầm. Kíp làm đá lấy được gần hai chục kíp mìn đế khi cần sử
dụng. Ban tạo tác của Đảo ủy đã chế tạo được hàng trăm gói “lựu đạn” hỏa
mù bằng tro bếp trộn tiêu và ớt bột; tạo tác được hàng chục thùng sắt tây để
đựng nước ngọt, làm phao; hàng chục hộp sơn, hàng trăm ký nhựa đường
cùng các loại búa, rìu, dao, rựa, cưa, đục. Gần ngàn bộ quần áo tù đã được
góp lại để bọc thuyền, may buồm. Tất cả được chuyển vận ra Đầm qua kíp
tù binh làm ở đầu mom Cá Mập. Áo quần có thể mặc vào trong người. Các
thứ khác thì để lẫn trong vật liệu, dụng cụ đi làm hoặc chia nhỏ, giấu trong
thùng cơm canh, đem đến hộp thư chết. Kíp Đầm cử giao liên luồn rừng
đến nhận. Đó là cuộc chuẩn bị vượt ngục quy mô lớn nhất của toàn đảo
trong lịch sử hơn trăm năm của nhà tù này.
Công tác binh địch vận cũng góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị vượt
ngục. Bộ phận binh vận của tù binh gồm tất cả những người làm đại diện
kíp, đại diện khám, đại diện chung. Đảo ủy chỉ đạo công tác binh vận phải
tập trung vào lính Âu - Phi, chiếm 91% lính đồn trú trên đảo. Họ là những
người anh em các dân tộc bị áp bức, lừa gạt, cùng đường phải cầm súng
đánh thuê. Các chiến sĩ binh vận của Đảo ủy đã được học về địa lý châu
Phi, về đất nước, con người, sản vật, phong tục tập quán của nhiều dân tộc
Phi châu như Angiêri, Xênêgan, Côttinoa, Ghinê, Môdămbích, Sariêng.
Hằng tuần, các đại diện đều họp kiểm điểm công tác binh vận, rút kinh
nghiệm trong cách giao thiệp và tranh thủ binh lính địch. Phạm Quý Tuyển
(Đảo ủy viên) được phân công lãnh đạo hơn chục anh em đại diện kíp, đại
diện khám làm công tác binh vận.