của những nhà thám hiểm châu Âu, và những sự khai phá của di dân châu
Âu vào những năm đầu thế kỷ XVI. Thực ra, nền văn hóa của Mỹ bắt đầu
từ những cư dân bản địa là người da đỏ, mà sách vở thường gọi là người
Anh điêng. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu của các nhà nhân chủng học,
khảo cổ học, sử học thì người da đỏ vốn từ châu Á thiên di sang khoảng
25000 năm. Họ vượt qua eo biển Bêrinh và Alatka, rồi từ đó tràn vào Bắc
Mỹ. Cho đến ngày nay, khảo cổ học chưa phát hiện được một di chỉ nào
thuộc thời đại đồ đá cũ.
Những bộ lạc người da đỏ đã sống trên những vùng phì nhiêu Bắc Mỹ.
Họ đã trải qua những thời kỳ phát triển với những trình độ khác nhau.
Moocgan đã nhận định: tộc Irôqua, Angônkin v.v… ở miền đông sông
Mitxuri đang còn trong giai đoạn thấp của thời kỳ dã man. Nhưng nói
chung họ còn sống trong giai đoạn bộ lạc, đất đai sở hữu chung. Việc bầu
cử dân chủ công bằng đã tuyển lựa những thủ lĩnh có tài, có khả năng đoàn
kết bộ lạc và chiến đấu một cách ngoan cường chống lại sự xâm lược của
kẻ đến cướp bóc. Họ làm nghề trồng tỉa, hái lượm, đánh cá và săn bắn,
thích nghi với việc khai thác nguồn lợi thiên nhiên. Những kinh nghiệm
trồng tỉa thuốc lá, ngô, cà chua và cả kỹ thuật đóng thuyền, chèo thuyền
trên sông Bắc Mỹ cũng đã giúp ích cho những người di dân châu Âu đến
đây sinh sống. Quá trình xâm thực tàn bạo của thực dân châu Âu bắt đầu từ
thế kỷ XVI, sau cuộc thám hiểm của Crixtôp Côlôngbô.
Người Tây Ban Nha là người đầu tiên đặt chân lên Phloriđa. Và đến
giữa thế kỷ XVI, họ đi sâu vào lục địa châu Mỹ qua Carolina tiến đến bờ
sông Mitxixipi rồi sau đó vào vùng Tếchdát năm 1635. Vài năm sau, 1640
người Tây Ban Nha tới miền Niu Mêhicô, Aridônna, Kandát và
Caliphoócnia.
Đầu thế kỷ XVI, người Pháp bắt đầu chú ý xâm thực vùng đất này. Họ
xây dựng cơ sở ở Canada, và năm 1540, đặt thương điếm đầu tiên của Pháp
bên bờ sông Hútsôn. Sau đó người Pháp tiến vào vùng đất hồ Giócgiơ
(vùng tiểu bang Niu Oóc hiện nay), thành lập vùng đất Ludiana thuộc Pháp
vào thế kỷ XVII.