Từ Thứ lắc đầu nói: "Làm như vậy không được! Với 1 người như thế,
tướng quân nhất định phải tự đến mời thì mới tỏ được thành ý".
Lưu Bị đã nghe Tư Mã Huy nói, nay lại thấy Từ Thứ giới thiệu như
vậy, biết rằng Gia Cát Lượng là 1 người hiếm có, liền dẫn theo Quan Vũ,
Trương Phi cùng đến Long Trung tìm Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng biết
Lưu Bị đến tìm mình, cố ý tránh mặt, nên Lưu Bị tới nơi không gặp được.
Quan Vũ, Trương Phi thấy xa xôi phiền phức quá, có ý nản, nhưng Lưu Bị
nhớ lời Từ Thứ nói, hết sức kiên nhẫn, đi 1 lần không gặp, lại đi lần thứ 2,
rồi đến lần thứ 3. Lần này, sau hồi lâu chờ đợi, Lưu Bị được Gia Cát Lượng
tiếp vì thấy Lưu Bị thành tâm và tha thiết quá. Lưu Bị để Quan Vũ và
Trương Phi bên ngoài rồi theo Gia Cát Lượng vào lều cỏ. Khi trong lều chỉ
có 2 người, Lưu Bị thành khẩn nói: "Nay nhà Hán suy vi, đại quyền rơi vào
tay gian thần Tào Tháo. Bị này tuy tài hèn sức kém, vẫn rất muốn cứu vãn
cục diện, nhưng không tìm ra kế sách gì, nên một lòng tìm đến đây để xin
tiên sinh chỉ giáo".
Gia Cát Lượng thấy Lưu Bị chân thành khiêm tốn như vậy, liền trình
bày với Lưu Bị những gì mình đã tính toán và ôm ấp từ lâu. Ông nói: "Hiện
nay Tào Tháo đã dẹp xong Viên Thiệu, trong tay có hàng tẳm vạn quân, lại
nắm được cái thế hiếp thiên tử để ra lệnh cho chư hầu. Vì vậy khó dùng vũ
lực để tranh hơn thua với hắn. Tôn Quyền chiếm cứ một dải Giang Đông đã
qua 3 đời. Giang Đông địa thế hiểm yếu, trăm họ đã qui phục ông ta, lại có
nhiều nhân tài phù trợ. Xem ra ta có thể liên hợp với ông ta, chứ không thể
đánh ông ta". Sau đó, Gia Cát Lượng phân tích tình hình ở Kinh Châu và
Ích Châu (nay là Tứ Xuyên, Vân Nam và 1 phần thiểm Tây, Cam Túc, Hồ
Bắc, Quí Châu), cho rằng Kinh Châu là địa điểm trọng yếu về quân sự, lại
là nơi mà Lưu Biểu không có đủ tài năng để giữ được. Ích Châu là nơi đất
đai phì nhiêu, rộng lớn, xưa nay vẫn nổi tiếng là "thiên phú chi quốc" (nơi
kho tàng thiên nhiên), mà Lưu Chương là người chủ ở đó lại là kẻ nhu
nhược bất tài, không được ai coi trọng.