cho là mình giữ chức cao, lại có công lớn nên không e ngại gì, liền huy
động nhân công và vật liệu, khắc toàn bộ pho quốc sử lên bia đá rồi đem
các bia đó dựng 2 bên đường gần đàn tế trời ở ngoại ô kinh đô.
Những điều ghi chép trong quốc sử đều là sự thực, nhưng vì các đời
trước của Bắc Ngụy do trình độ phát triển văn hóa thấp, có nhiều tập tục lạc
hậu, nay đem viết ra thì thấy mất thể diện cho hoàng thất. Người đi đường
xem bia đá, bình luận sôi nổi, cho rằng người viết sử đã bêu rếu triều đình.
Quí tộc Tiên Ty là những người phản đối mạnh mẽ nhất. Họ cáo giác với
Ngụy Thái Vũ Đế là bọn Thôi Khiết có dụng tâm bêu xấu, xúc phạm cả
tiên đế và đương kim hoàng thượng. Ngụy Thái Vũ Đế vốn đã cho rằng
Thôi Khiết lộng quyền, dám tự tiện quyết định nhiều việc, nay thấy sự việc
này thì nổi trận lôi đình, hạ lệnh bắt tất cả những người tham gia viết quốc
sử để xét hỏi. Trong số người tham gia, có Cao Doãn là thầy dạy học của
thái tử. Thái tử nghe được tin đó thì hết sức hoảng hốt, liền mời Cao Doãn
đến Đông cung (là cung dành riêng cho thái tử), nói với ông: "Ngày mai tôi
sẽ cùng tiên sinh đi triều kiến hoàng thượng. Nếu hoàng thượng hỏi tiên
sinh, tiên sinh cứ trả lời theo ý của tôi, chớ có nói gì khác".
Cao Doãn không hiểu đầu đuôi ra sao nên không trả lời gì. Hôm sau,
ông theo thái tử vào triều kiến. Thái tử lên điện, gặp Thái Vũ Đế nói: "Cao
Doãn xưa nay là người nghiêm túc, thận trọng lại giữ chức quan thấp. Vụ
án quốc sử hoàn toàn là do Thôi Khiết chịu trách nhiệm, thần tử cúi xin bệ
hạ tha tội cho Cao Doãn".
Thái Vũ Đế gọi Cao Doãn lên hỏi: "Quốc sử hoàn toàn do Thôi Khiết
viết có phải không?".
Cao Doãn thật thà đáp: "Thôi Khiết bận nhiều việc, chỉ nắm bố cục
lớn, còn nội dung cụ thể đều do hạ thần và mấy người khác viết".
Thái Vũ Đế ngoảnh đầu lại nói với thái tử: "Ngươi xem, tội của Cao
Doãn còn nặng hơn Thôi Khiết nữa, sao có thể tha thứ được?".