Phủ, phong 1 số người Hồ làm Tiết độ sứ. Trong số các tiết độ sứ người
Hồ, Đường Huyền Tông và Lý Lâm Phủ đặc biệt tín nhiệm tiết độ sứ Bình
Lư (trị sở nay ở Triều Dương, Liêu Ninh) là An Lộc Sơn. Thời thanh niên,
An Lộc Sơn từng làm tướng trong quân trấn Bình Lư, vì không chấp hành
nghiêm quân lệnh nên đã thua trận. Tướng chỉ huy quân trấn lúc đó bắt giải
hắn về Trường An, xin triều đình xét xử. Lúc đó, tể tướng Trương Cửu
Linh để giữ đúng lấy luật quân đội, đã ghép An Lộc Sơn vào tử tội. Nhưng
Đường Huyền Tông nghe nói An Lộc Sơn tài giỏi, nên hạ lệnh tha cho hắn.
Trương Cửu Linh tâu với Đường Huyền Tông: "An Lộc Sơn đã vi phạm
quân lệnh, làm hao binh tổn tướng, theo quân pháp không thể không giết.
Vả lại, theo thần quan sát, hắn không phải là người lương thiện, không giết
hắn e rằng sẽ có hậu họa khôn lường".
Đường Huyền Tông không nghe theo lời can của Trương Cửu Linh,
vẫn tha cho An Lộc Sơn. Sau đó, Trương Cửu Linh bị triệt chức, An Lộc
Sơn nhờ thủ đoạn nịnh nọt, cứ thăng quan từng bước, lên tới chức tiết độ sứ
Bình Lư. Không tới 3 năm, hắn còn kiêm nhiệm cả chức tiết độ sứ Phạm
Dương (trị sở tại Bắc Kinh ngày nay). Sau khi giữ chức tiết độ sứ, An Lộc
Sơn cho tay chân đi sưu tầm mọi thứ chim lạ và các loại trân châu bảo
ngọc, thường xuyên gởi về cung đình để lấy lòng Đường Huyền Tông. Hắn
ta biết Đường Huyền Tông thích nhận được tin báo chiến công của các
tướng lĩnh biên phòng, liền dùng âm mưu quỷ kế, lừa mời thủ lĩnh và tướng
sĩ của các bộ tộc thiểu số ở gần Bình Lư tới dự tiệc, dùng rượu thuốc chuốc
cho họ say rồi cắt lấy đầu, đưa về báo công với triều đình. Đường Huyền
Tông thường gọi An Lộc Sơn về Trường An triệu kiến. Lợi dụng những dịp
đó, An Lộc Sơn dùng mọi thủ đoạn giảo hoạt để giành sự sủng ái của hoàng
đế. Hắn vốn người thấp lùn, lại có cái bụng rất to, chuyên làm bộ ngớ ngẩn
khiến Đường Huyền Tông rất thích. Một lần, Đường Huyền Tông chỉ vào
bụng hắn, hỏi đùa: "Khanh có cái bụng to như thế, cất giữ cái gì trong đó?".
An Lộc Sơn đáp ngay không cần suy nghĩ: "Trong bụng thần không có
cái gì khác, chỉ có một tấm lòng son sắc với bệ hạ".