vẻ thì bừng bừng nổi giận. Họ không nói không rằng, xông lên bắt trói
Trương An Quốc, lôi ra khỏi nha môn. Tới khi quân lính ở Tế Châu chạy
tới, thì Trương An Quốc đã bị trói trên lưng ngựa. Thấy thần sắc uy nghiêm
của Tân Khí Tật, số quân lính này không dám động thủ. Tân Khí Tật tuyên
bố: "Đại quân triều đình sẽ tới đây ngay bây giờ. Những ai tình nguyện
chống Kim, hãy tham gia vào hàng ngũ chúng ta".
Đa số quân lính ở Tế Châu vốn trước kia từng theo Cảnh Kinh, nay
Tân Khí Tật hiệu triệu, có hơn 1 vạn người tình nguyện đi theo. Tân Khí
Tật lập tức dẫn đầu nghĩa quân, áp giải tên phản bội, hành quân xuống miền
nam. Tới Kiến Khang, triều đình Nam Tống xét rõ tội trạng của Trương An
Quốc, lập tức cho chém đầu thị chúng. Tân Khí Tật được triều Tống cử đi
làm quan ở Giang Âm. Ông không nề hà chức vụ thấp, nhiều lần đề xuất
chủ trương chống Kim lên triều Tống, nhưng đáng tiếc là đều không được
chấp nhận. Sau đó, tuy đã làm quan ở mấy địa phương, lại đã từng lập ra
đội "phi hổ quân", nhưng ông vẫn không thực hiện được nguyện vọng bắc
phạt Trung nguyên. Năm 42 tuổi, ông lại bị bọn gian thần bức bách, buộc
phải về hưu. Suốt cuộc đời, Tân Khí Tật đã viết nhiều bài từ đầy khí phách
hào hùng và nồng nàn yêu nước. Từ của ông chiếm địa vị cao trong lịch sử
văn học Trung Quốc. Chính trong năm Tân Khí Tật xuống miền nam, Tống
Cao Tông thoái vị, cháu là Triệu Thận lên nối ngôi hoàng đế. Đó là Tống
Hiếu Tông.