Không lâu sau, Vương Viên bị điều đi, Lục Du cũng bị đưa về Thành
Đô làm quan tham nghị cho An phủ sứ Phạm Thành Đại. Phạm Thành Đại
là bạn cũ của Lục Du, nên tuy không cùng cấp, 2 người không câu nệ nhiều
đến lễ tiết. Ý nguyện chống Kim của Lục Du không được thực hiện, nên
trong lòng buồn giận, thường uống rượu làm thơ, thổ lộ tình cảm yêu nước
của mình. Một số quan chức khác không ưa tính cách đó của ông. Thường
chỉ trích ông coi thường lễ tiết, tác phong phóng túng. Lục Du nghe hết
những lời đó, bực mình, lấy luôn biệt hiệu "Phóng ông" (ông già phóng
túng). Người đời sau, vì vậy gọi ông là Lục Phóng Ông. Lại hai, ba chục
năm nữa, vương triều Nam Tống thay đổi 2 hoàng đế khác, lần lượt là Tống
Quang Tông Triệu Đôn và Tống Ninh Tông Triệu Khuếch, nhưng trước sau
không hề có quyết tâm khôi phục lãnh thổ. Lục Du sống mãi cuộc đời nhàn
cư, chỉ có cách gửi gắm nhiệt tình yêu nước vào thi ca. Năm 1206, Hàn
Thược Trụ làm tể tướng, phát động 1 cuộc bắc phạt quy mô lớn. Điều này
khiến Lục Du vô cùng phấn khởi, nhưng cuộc bắc phạt không được chuẩn
bị đầy đủ, lại thêm trong triều có nhiều phe phái chống đối nhau, nên lần
bắc phạt cuối cùng này lại thất bại. Tống Ninh Tông và 1 số đại thần thuộc
phái chủ hàng liền giết Hàn Thược Trụ, nộp thủ cấp cho triều Kim, lại ký 1
hòa ước khuất nhục. Nguyện vọng mãnh liệt suốt đời của Lục Du là khôi
phục lãnh thổ, thống nhất tổ quốc không thực hiện được. Ông chỉ còn cách
dùng thi ca để nói lên nhiệt tình yêu nước và nỗi buồn đau trước số phận
dân tộc. Suốt cuộc đời sáng tác, ông để lại hơn 9000 bài thơ. Trong số nhà
thơ các đời, khối lượng sáng tác của ông là phong phú nhất. Năm 1210, nhà
thơ yêu nước 86 tuổi ốm nặng. Tới lúc lâm chung, ông vẫn không quên
việc khôi phục Trung nguyên. Ông gọi con cháu tới bên giường, đọc cho
nghe bài thơ cuối cùng xúc động tâm can – bài "Thị Nhi" (dặn con).
"Tử khứ nguyên tri vạn sự không,
Đãn bi bất kiến Cửu châu đồng.
Vương sư bắc định Trung nguyên nhật