không kịp chạy trốn, đều ra ngoài thành đầu hàng. Chiều hôm đó, Hoàng
Sào ngồi trên kiệu vàng, có các tướng hộ vệ, tiến vào thành Trường An.
Trăm họ trong kinh thành, già trẻ lớn bé dắt díu nhau đứng chật đường chào
đón. Đại tướng nghĩa quân Thượng Nhượng tuyên bố trước dân chúng:
"Hoàng Vương khởi binh là vì trăm họ, chứ không ngược đãi dân chúng
như họ Lý (họ của hoàng đế triều Đường). Trăm họ hãy an cư lạc nghiệp".
Binh sĩ của nghĩa quân thấy dân chúng nghèo khổ quá, đều đem chia cho
họ những tài sản lấy được.
Mấy hôm sau, Hoàng Sào lên ngôi hoàng đế ở cung Đại Minh trong
thành Trường An, đổi quốc hiệu là Đại Tề. Trải qua 7 năm chiến đấu, cuối
cùng quân khởi nghĩa đã giành được thắng lợi. Nhưng quân khởi nghĩa
Hoàng Sào do tác chiến lưu động dài ngày, không để quân lại đóng giữ tại
những vùng đã đóng chiếm được. Sau khi mấy chục vạn quân khởi nghĩa
tiến vào Trường An, khắp vùng xung quanh vẫn còn thế lực quân Đường.
Chẳng bao lâu sau, triều Đường điều binh mã các nơi về bao vây Trường
An. Việc cung cấp lương thực cho Trường An gặp khó khăn nghiêm trọng.
Hoàng Sào phái đại tướng Chu Ôn giữ Đồng Châu (nay là Đại Lệ, Thiểm
Tây). Nhưng, trong lúc quân khởi nghĩa gặp khó khăn nhất, thì Chu Ôn đầu
hàng triều Đường, trở thành tên phản bội nhục nhã. Triều Đường lại mời
lực lượng dân tộc thiểu số là Sa Đà (1 dân tộc ở tây bắc Trung Quốc thời
cổ) hợp sức với tiết độ sứ Nhạn Môn Lý Khắc Dụng dẫn 4 vạn kỵ binh tiến
công Trường An. 15 vạn nghĩa quân nghinh chiến, nhưng bị đại bại, đành
phải rút khỏi Trường An.
Hoàng Sào dẫn quân khởi nghĩa lui tới Hà Nam, lại bị Chu Ôn và Lý
Khắc Dụng vây đánh. Năm 884, sau khi thất bại trong trận tiến đánh Trần
Châu (nay là Hoài Dương, Hà Nam), Hoàng Sào bị quan quân đuổi riết và
cuối cùng đã hy sinh anh dũng ở Lang Hồ Cốc thuộc dãy Thái Sơn.