tổng khởi nghĩa, gắn việc lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành chính
quyền trong cả nước với việc bảo vệ chính quyền cách mạng, quyết
đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững
quyền tự do, độc lập dân tộc. Nhờ xác định đúng đường lối chiến lược
và sách lược cách mạng và không ngừng bổ sung, phát triển cho phù
hợp với từng thời kỳ cách mạng cũng như sự tài tình, sáng tạo trong tổ
chức thực tiễn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nên cách mạng Việt
Nam đã giành được thắng lợi vĩ đại trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám
năm 1945. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, của đấu tranh vũ
trang là thắng lợi của tư tưởng, đường lối chính trị, quân sự đúng đắn,
sáng tạo của Đảng. Công lao đó trước hết thuộc về lãnh tụ Hồ Chí
Minh - Người đã soi đường, chỉ lối và cùng với Đảng trực tiếp lãnh
đạo cuộc tổng khởi nghĩa thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa, mở ra thời đại mới trong lịch sử Việt Nam, góp phần xứng
đáng vào kho tàng tư tưởng nhân loại về khởi nghĩa vũ trang giải
phóng dân tộc.
Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam giai đoạn 1858- 1945 có
nhiều nội dung phong phú và rộng lớn. Từ những kết quả chưa thật
đầy đủ, có tính chất ban đầu trên đây, tạm thời rút ra một số vấn đề
cho nghiên cứu toàn diện và sâu sắc hơn những nội dung tư tưởng
quân sự trong giai đoạn 1858-1945 để tiếp tục vận dụng vào đấu tranh
vũ trang, xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố nền quốc phòng toàn
dân hiện nay đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng.
Một là, phong trào đấu tranh vũ trang chống thực dân Pháp
xâm lược của nhân dân ta nửa sau thế kỷ XIX và những năm đầu thế
kỷ XX do không có đường lối kháng chiến - hạt nhân là tư tưởng quân
sự - đúng đắn soi đường, nên không thành công. Trước nạn ngoại xâm,
triều Nguyễn đã không có một chủ trương thích hợp nào để phát triển
kinh tế, ổn định xã hội, củng cố quốc phòng và tăng cường khối đoàn
kết toàn dân, sẵn sàng chiến đấu chống quân xâm lược. Khi thực dân
Pháp nổ súng tiến công uy hiếp trực tiếp nền độc lập dân tộc và chủ